- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. NGUYỄN VĂN KIM, VŨ HOÀNG LONG
Quan hệ thương mại Phù Nam - Ấn Độ: Nghiên cứu trường hợp cảng thị Óc Eo và Arikamedu
Tóm tắt: Phù Nam là vương quốc cổ, có vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử, văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á. Trong quá trình phát triển, vương quốc này từng có nhiều mối quan hệ với các quốc gia châu Á về kinh tế, xã hội và văn hóa. Kinh tế thương mại đã đóng vai trò chủ đạo, tạo đà cho Phù Nam trở thành một cường quốc kinh tế và một thể chế biển điển hình của Đông Nam Á. Dựa trên kết quả nghiên cứu của các học giả trong nước, quốc tế, đặc biệt là những phát hiện khảo cổ học trong những năm gần đây tại Nền Chùa (Kiên Giang) và Ba Thê - Thoại Sơn (An Giang),... từ cách tiếp cận chuyên ngành kết hợp với liên ngành, bài viết tập trung phân tích cơ sở, quá trình phát triển, đặc trưng của mối quan hệ thương mại giữa Phù Nam và Ấn Độ, tập trung vào trường hợp của hai cảng thị tiêu biểu là Óc Eo và Arikamedu, vai trò của hai thương cảng trong sản xuất, trao đổi nguyên liệu, sản phẩm, kỹ thuật và văn hóa. Từ đó, bài viết đưa ra một số kiến giải về vai trò, hoạt động thương mại của Phù Nam và một số thương cảng Đông Nam Á thời cổ đại.
2. DƯƠNG VĂN HUY, CHU CÔNG HÙNG
Những chuyển biến trong sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc ở Malaysia
Tóm tắt: Mục đích của bài viết là phân tích những chuyển biến trong việc Trung Quốc triển khai sáng kiến “Vành đai con đường” (BRI) tại Malaysia, trong đó, làm rõ nhận thức và chiến lược của Malaysia đối với BRI qua các đời Thủ tướng như Najb, Mohammad Mahathir, Muhyiddin Yassin. Đồng thời, trên cơ sở phân tích thực trạng triển khai một số dự án trọng điểm của BRI ở Malaysia, bài viết góp phần nhận thức rõ hơn những thách thức đặt ra và tương lai của BRI tại Malaysia.
3. NGUYỄN HỒNG QUANG
Một số đặc điểm nổi bật của kinh tế Thái Lan từ năm 2014 đến nay (2021)
Tóm tắt: Làn sóng biểu tình chống chính quyền của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lan rộng vào cuối năm 2013. Đến tháng 5/2014, Thái Lan diễn ra cuộc đảo chính với sự lãnh đạo của Tướng quân đội Prayut Chan-o-cha. Những biến động chính trị đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và xã hội của Thái Lan, đặc biệt lĩnh vực du lịch, đầu tư và tiêu dùng nội địa. Trước tình hình đó, chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã thực hiện một số biện pháp cải cách kinh tế và đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, kinh tế Thái Lan tiếp tục gặp các thách thức mang tính nền tảng như niềm tin của người tiêu dùng thấp, thâm hụt ngân sách gia tăng, năng suất lao động chậm cải thiện, đầu tư nước ngoài không ổn định, và dân số già hóa nhanh chóng. Những năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế của Thái Lan. Vượt qua những thách thức kể trên bên cạnh yếu tố ổn định chính trị, đòi hỏi chính phủ Thái Lan đẩy mạnh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện kỹ năng lao động, và tự do hóa lĩnh vực dịch vụ.
4. HOÀNG THỊ MỸ NHỊ, NGUYỄN VIẾT ĐỨC
Điều chỉnh chính sách văn hóa của Tổng thống Joko Widodo ở Indonesia
Tóm tắt: Dưới thời chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo từ năm 2014 đến nay, Chính phủ Indonesia đã tập trung thúc đẩy quá trình cải cách dân chủ và phát triển kinh tế, xã hội thông qua việc điều chỉnh các chính sách hướng đến những mục tiêu phát triển quốc gia và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong bối cảnh môi trường trong nước và quốc tế diễn ra nhiều thay đổi. Cho đến nay, thực tế phát triển của Indonesia cho thấy cả những mặt ưu điểm hạn chế của những cải cách và điều chỉnh trên, trong đó có lĩnh vực chính sách văn hóa. Bài viết tập trung làm rõ ảnh hưởng của toàn cầu hóa, thực trạng liên minh Chính phủ và mục tiêu phát triển quốc gia đối với sự điều chỉnh chính sách văn hóa quốc gia của Indonesia. Bên cạnh đó, bài viết phân tích và làm rõ các thay đổi cơ bản trong chính sách văn hóa như cơ cấu tổ chức, mục tiêu và nội dung, vai trò của Islam giáo. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những đánh giá về thành tựu, thách thức và gợi mở về chính sách văn hóa của Indonesia trong thời gian tới.
5. NGUYỄN MINH GIANG
Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn hóa của người Việt ở Lào và Thái Lan
Tóm tắt: Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan và cũng là tôn giáo chiếm số đông nhất trong dân số của Lào và Việt Nam. Dấu ấn của Phật giáo đã theo chân các làn sóng di cư người Việt đến Lào và Thái Lan trong hơn hai trăm năm qua. Phật giáo không chỉ góp phần giữ gìn, bảo lưu và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt ở Lào, Thái Lan mà còn góp phần kết nối kiều bào Việt Nam ở các nước với quê hương. Bên cạnh đó, những nhân tố lịch sử đã làm cho quá trình phát triển văn hóa Phật giáo của người Việt ở Lào thuận lợi và liên tục hơn nhiều so với quá trình phát triển của văn hóa Phật giáo An Nam tông của người Việt ở Thái Lan. Trong quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam ở Lào và Thái Lan, tuy có những đặc trưng, thăng trầm riêng biệt nhưng cộng đồng người Việt đều tiếp thu và biến đổi sinh hoạt văn hóa Phật giáo Việt Nam cho phù hợp với sinh hoạt văn hóa bản địa của các bộ tộc Lào và người Thái, người Môn nói chung.
6. NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG
Du lịch ở Lào thời Pháp thuộc
Tóm tắt: Du lịch ở Lào trong những năm đầu thế kỉ XX còn gặp nhiều khó khăn do mạng lưới giao thông vận tải nước này chưa phát triển. Nước Lào thuộc Pháp vẫn là nước biệt lập, khép kín so với các nước trong Liên Bang Đông Dương. Việc đi lại bằng đường bộ và đường thủy từ Bắc Kì, Trung Kì hay Nam Kì đến Lào đều phải mất hàng tuần. Sau khi chính quyền thực dân Pháp đẩy mạnh việc xây dựng những con đường giao thông kết nối Lào với các nước khác trong Liên Bang Đông Dương nhằm phá vỡ sự cô lập và khai thác các nguồn tài nguyên giàu có của Lào thì Lào cũng là điểm đến của nhiều du khách nước ngoài. Khách du lịch có thể đi bằng nhiều con đường khác nhau để ngắm các phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, các di tích cổ xưa và nhiều phong tục tập quán của người dân bản địa. Khâm sứ Lào Roland Meyer trong cuốn sách viết về Lào xuất bản năm 1930 đã giới thiệu những tuyến đường du lịch đến Lào để du khách có thể ngắm những cảnh đẹp hùng vĩ của nước Lào trên những hành trình này. Mặc dù vậy, hoạt động du lịch ở Lào thời kì này vẫn còn nhiều hạn chế, việc đi lại trên các tuyến đường bộ và đường thủy để đến Lào vẫn còn mất nhiều thời gian, người đi du lịch chủ yếu là những người lao động có thu nhập cao, các ông chủ tư bản và những quan chức trong bộ máy chính quyền thực dân Pháp.
7. TRẦN VĂN HOAN
Kinh nghiệm của một số quốc gia Đông Á về xây dựng nhân lực giáo dục, đào tạo - Bài học nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo ở Việt Nam hiện nay
Tóm tắt: Quyết định cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc phụ thuộc vào nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất. Nguồn nhân lực là chủ đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của rất nhiều giới, ngành, các nhà chính trị, kinh doanh, học giả và cơ quan chức năng nghiên cứu. Bài viết này khảo sát kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) ở một số quốc gia phát triển có nguồn nhân lực chất lượng cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore - những quốc gia đã đề ra được chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Kinh nghiệm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực GD-ĐT ở một số nước trên sẽ giúp Việt Nam rút ra được những bài học kinh nghiệm hữu ích, đặc biệt trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
8. NGUYỄN THÚY QUỲNH
Vai trò của giáo dục đại học đối với đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam giai đoạn 2000 - 2020
Tóm tắt: Trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng. Vai trò, vị trí của giáo dục đại học được thể hiện trước hết ở việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong 20 năm đầu thế kỉ XXI (2000-2020), giáo dục đại học ở Việt Nam đã có sự đổi mới mạnh mẽ và thu được những thành tựu quan trọng. Những thành tựu này đã góp phần mở rộng quy mô đào tạo, phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều đó đã khẳng định giáo dục đại học có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội thông qua việc truyền thụ kiến thức, sáng tạo ra tri thức và vận dụng tri thức vào thực tiễn. Bài viết trình bày vai trò của giáo dục đại học đối với việc đào tạo nguồn nhân lực trong thời kì đổi mới ở Việt Nam đồng thời chỉ ra những yếu tố tác động, một số tồn tại, thách thức đối với giáo dục đại học. Cơ hội và thách thức đòi hỏi ngành giáo dục đại học phải có những giải pháp đồng bộ và tiến hành đổi mới mạnh mẽ để tạo ra những bước phát triển mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kì đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thu hẹp khoảng cách với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC
Hội thảo quốc tế: “ASEAN trên đường hội nhập: Thành tựu, khó khăn, thách thức”
ĐIỂM SÁCH
ASEAN trong chiến lược nước lớn