Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. NGUYỄN HUY HOÀNG

Cách thức ASEAN đảm bảo vai trò trung tâm và lợi ích trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn tại khu vực

Tóm tắt: Hiện nay, trật tự khu vực và thế giới đang có những chuyển biến khó lường do cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, đặc biệt là đối đầu Mỹ - Trung, các cuộc xung đột và những vấn đề an ninh phi truyền thống khác... Là khu vực có vịa trí địa chính trị quan trọng, chiếm giữ vị trí trung tâm, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nên Đông Nam Á/ASEAN đang là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh Mỹ - Trung. Trong bối cảnh đó, vai trò trung tâm của ASEAN, một thương hiệu được khẳng định nhiều lần trong các tài liệu, các cuộc họp của các cơ chế hợp tác khu vực, đang bị ảnh hưởng. Có nhiều ý kiến cho rằng, ASEAN đang mất dần vai trò trung tâm trong khu vực của mình do tác động của cạnh tranh nước lớn. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng ASEAN/Đông Nam Á vẫn là khu vực mà các nước lớn, các bên cần trong cục diện cạnh tranh giữa họ. Từ lập luận này, bài nghiên cứu đặt mục tiêu nhận diện những nhân tố ảnh hưởng đến vai trò trung tâm và lợi ích của ASEAN, qua đó phân tích cách thức ASEAN đã và đang thực hiện nhằm đảm bảo vai trò trung tâm cũng như lợi ích của mình trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang ngày càng tăng ở khu vực này.

 

2. NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG, CHU QUỲNH VÂN

Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực thương mại điện tử: Các chương trình và kết quả đạt được

Tóm tắt: Thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực rất được quan tâm phát triển, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường nền kinh tế số và nhất là từ khi đại dịch COVID - 19 bùng nổ. Với ASEAN, sự quan tâm này trở nên đặc biệt hơn khi các nước thành viên đang cùng nhau xây dựng một cộng đồng hội nhập và gắn kết cao, cạnh tranh, sáng tạo và năng động, cùng với tăng cường kết nối và hợp tác theo ngành, và một cộng đồng dung nạp và tự cường hơn, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, như trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đã chỉ rõ. Bài viết tập trung phân tích quá trình hợp tác của các nước a cac ASEAN trong lĩnh vực thương mại điện tử, tóm lược một số giải pháp mà các quốc gia thành viên đã thực hiện và một số kết quả đã đạt được. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số nhận định về những vấn đề mà các nước ASEAN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử nội khối và với bên ngoài.

 

3. PHẠM THANH TỊNH

Văn hóa Java với phát triển du lịch và ngành công nghiệp văn hóa ở Indonesia

Tóm tắt: Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức rõ hơn về phát triển công nghiệp sáng tạo. Nền kinh tế sáng tạo giúp ích được rất nhiều cho sự phát triển kinh tế và làm giàu cho một quốc gia. Công nghiệp sáng tạo nói riêng và kinh tế sáng tạo nói chung làm cho văn hóa trở thành động lực thúc đẩy các quá trình phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Nền kinh tế sáng tạo giúp gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp tồn tại. Ở Indonesia, ngành công nghiệp văn hóa được phát triển và ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong quá trình đa dạng hóa nền kinh tế. Theo hướng phát triển mới, các ngành của kinh tế sáng tạo được mở rộng ra 16 phân ngành bao phủ tất cả các ngành liên quan đến văn hóa như thời trang, điện ảnh, âm nhạc, thiết kế sản phẩm, đồ thủ công, thiết kế truyền thông, biểu diễn nghệ thuật, phát thanh truyền hình... Do đó, với mục đích tìm hiểu vai trò của văn hóa Java trong việc phát triển du lịch và kinh tế sáng tạo ở Indonesia, bài viết đã đi sâu nghiên cứu các chính sách kinh tế ở Indonesia thời gian qua liên quan đến lĩnh vực này. Thông qua những nghiên cứu trong và ngoài nước về nền kinh tế Indonesia, bài viết đã phác họa nên những nét chủ yếu vai trò của văn hóa Java trong các chính sách phát triển cũng như đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại đảo Java và khái quát về xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo mới được đề cập gần đây ở Indonesia và những đóng góp không nhỏ của du lịch và nền kinh tế sáng tạo cho nền kinh tế Indonesia trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

4. HOÀNG XUÂN TRƯỜNG, ĐÀM THỊ MAI LOAN

Những bất đồng trong quan hệ Ấn Độ - Nga (1991 - 1993) và tác động đến khu vực Đông Nam Á

Tóm tắt: Hiện nay, khi nhắc đến quan hệ Ấn Độ - Nga, chúng ta thường đánh giá đó là một cặp quan hệ đặc biệt bởi sự gắn bó bền chặt và gần như không có mâu thuẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, giai đoạn 1991-1993, mối quan hệ này gặp phải những bất đồng sâu sắc. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, lý giải những bất đồng trong quan hệ Ấn Độ - Nga về chính trị - ngoại giao, chuyển giao công nghệ tên lửa và hạt nhân, việc trả nợ của Ấn Độ và về hợp tác kĩ thuật - quân sự trong giai đoạn 1991-1993 từ đó đánh giá tác động của mối quan hệ này đối với khu vực Đông Nam Á.

 

5. NGUYỄN THẾ THÀNH

Cách thức Mỹ thúc đẩy hợp tác và tập hợp lực lượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2012 đến nay

Tóm tắt: Chiến lược, mục tiêu xuyên suốt của Mỹ là “lãnh đạo” thế giới và không để cho bất kỳ quốc gia nào tranh giành vị thế này của họ. Để đảm bảo mục tiêu đó, từ thời kỳ Tổng thống Obama đến nay, Mỹ thực hiện chiến lược “Tái cân bằng”, “Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm điều chỉnh trọng tâm chiến lược toàn cầu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Qua các chiến lược trên, Mỹ đã quan tâm thúc đẩy tập hợp lực lượng thông qua các đồng minh, đối tác, các vấn đề có tính chất toàn cầu, khu vực nhằm duy trì vai trò dẫn dắt, xác lập vị thế lãnh đạo trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tập hợp lực lượng của Mỹ có cả tác động tích cực và tiêu cực đến cục diện chính trị khu vực, buộc các nước phải điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro, củng cố và tăng cường quan hệ với các nước lớn, thúc đẩy bảo vệ, phát triển các lợi ích chiến lược của mỗi nước.

 

6. VŨ ĐỨC CƯỜNG

Quan điểm của Mỹ, Nhật Bản về vấn đề Biển Đông và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Tóm tắt: Từ nhiều năm nay, Biển Đông được ví như một thùng thuốc súng, bởi đây là nơi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cùng đưa ra các yêu sách chủ quyền. Giờ đây, Biển Đông không còn là vấn đề của riêng Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, mà đây còn là vấn đề có liên quan nhiều nước, nhiều bên và có ảnh hưởng đến tự do, an toàn hàng hải, môi trường sinh thái biển, đến hoà bình, ổn định và đặc biệt ảnh hưởng đến không gian địa chính trị của các nước lớn, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Tiếp cận, làm rõ lợi ích và quan điểm của các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông sẽ góp phần đưa ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam trong quá trình xử lý vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông. Do vậy, bài viết sẽ đi sâu phân tích và luận giải có hệ thống về lợi ích và quan điểm của Mỹ và Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông trong thời gian qua.

 

7. DOÃN TÙNG ANH

Quan hệ otoman - Aceh trong thế kỉ XVI

Tóm tắt: Trong thế kỷ XVI, Đông Nam Á - vùng biên phía Đông của thế giới Islam giáo - đã trở thành một trong những nơi tranh giành ảnh hưởng mạnh mẽ giữa Islam giáo và Kitô giáo. Trước ưu thế về hàng hải và quân sự của người Bồ Đào Nha, các quốc gia Islam giáo dọc theo Ấn Độ Dương đã phải tăng cường liên kết lại với nhau để cùng chống lại kẻ thù chung. Một ví dụ điển hình của việc này là mối quan hệ giữa Đế chế Ottoman và nhà nước Islam giáo Aceh. Những liên kết giữa hai thế lực Islam giáo này cho thấy những toan tính chính trị có thể vượt ngoài tầm giới hạn của địa lý, như là một trong các bằng chứng đại diện cho tham vọng bá quyền của Đế chế Ottoman, cũng như sức sống của tinh thần Dar al Islam của người Muslim.

 

8. NÔNG BẰNG NGUYÊN, VŨ THỊ HUYỀN LY

Nghề dệt của người Gia-rai ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai trong bối cảnh phát triển du lịch

Tóm tắt: Người Gia-rai cư trú chủ yếu ở tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên, Việt Nam. Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc này được biết đến như một nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo, và là sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong bối cảnh phát triển đô thị, thay đổi sinh kế, và dưới tác động của quá trình giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế thị trường, đặc biệt là du lịch, đã làm cho nghề dệt thổ cẩm của người Gia-rai có những biến đổi, thậm chí một số nơi có xu hướng mai một. Dựa trên tư liệu điền dã dân tộc học tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai của các tác giả nhiều năm nay, kết hợp với tổng hợp các tài liệu thứ cấp, bài viết làm rõ những biến đổi về nghề dệt cũng như cơ hội và thách thức của nó trong đời sống người Gia-rai hiện nay. Từ đó bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa tộc người Gia-rai trong bối cảnh phát triển du lịch.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Tọa đàm khoa học: “Cách thức Việt Nam cân bằng ảnh hưởng trong quan hệ với các nước lớn”

ĐIỂM SÁCH

Nhà nước kiến tạo phát triển với Đảng chính trị và các tổ chức xã hội (Nghiên cứu điển hình một số nước Đông Nam Á và gợi mở cho Việt Nam)

 

64 lượt xem