Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. TRẦN KHÁNH, NGUYỄN HUY HOÀNG

Bàn về mối liên hệ giữa Cách mạng công nghiệp và Trật tự thế giới

Tóm tắt: Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) và hiện đang ở trong cuộc CMCN lần thứ Tư hay CMCN 4.0. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện những vai diễn, quyền lực mới chi phối hay chiếm giữ vai trò nổi trội trong quan hệ quốc tế. Đến lượt mình, cạnh tranh quyền lực cũng thúc đẩy phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, tạo dựng nên các luật chơi khác nhau. Điều này cũng làm cho cách mạng công nghiệp được thúc đẩy nhanh hơn, các chủ thể tham gia nhiều hơn và hệ quả, tác động của chúng trở nên mạnh mẽ, đa diện đến mọi mặt đời sống xã hội. Trên thực tế, cuộc đua công nghệ đã và đang là yếu tố quyết định khả năng giành được ưu thế chiến lược trong quan hệ quốc tế.

 

2. HỒ THỊ THÀNH

Chính sách và thực trạng khai thác rừng ở Indonesia trong thời kỳ Trật tự mới (1965 - 1998)

Tóm tắt: Khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên rừng, là một trong những chính sách quan trọng của chính quyền Indonesia trong thời kỳ Trật tự Mới (1966-1998) nhằm phát triển kinh tế xã hội đất nước. Kể từ năm 1967, chính quyền Trật tự Mới đã ban hành một số văn bản pháp lý quy định hoạt động khai thác rừng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác rừng trong thực tiễn lại không tuân thủ theo những quy định pháp luật đã đề ra. Bài viết tìm hiểu chính sách khai thác rừng của Chính phủ Indonesia dựa trên những quy định pháp lý, đồng thời xem xét thực trạng khai thác rừng trong thời kỳ này cũng như mối quan hệ của nó với chính sách, qua đó lý giải lý do tại sao chính sách khai thác rừng không được tuân thủ trong thực tiễn. Từ đó, bài viết đưa ra kết luận về bản chất chính sách khai thác rừng của Indonesia thời kỳ Trật tự Mới để thấy việc thay đổi chính sách và cách thức quản lý hoạt động khai thác rừng là nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền Indonesia thời kỳ hậu Trât tư Mới.

 

3. QUANG NGỌC HUYỀN

Khung pháp lý cho hoạt động và vai trò của các tổ chức phi chính phủ ở Philippines

Tóm tắt: Các tổ chức từ thiện, phúc lợi đã xuất hiện ở Philippines từ rất sớm, các tu sĩ Tây Ban Nha đã thành lập ra các trại trẻ mồ côi, xây dựng bệnh viện, trường học cho người nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa. Trong thời kỳ cai trị Philippines, chính quyền thuộc địa Mỹ đã công nhận quyền thành lập các tổ chức tư nhân phi lợi nhuận. Sau khi giành độc lập, các Chính phủ Philippines đều tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, hiện Philippines là một trong những nước có các tổ chức phi chính phủ (NGO) đông đảo và hoạt động sôi động nhất trên thế giới. Thực tế cho thấy, khu vực NGO ở Philippines đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Các NGO tồn tại dưới nhiều hình thức đã góp phần khỏa lấp những khoảng trống trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản của Chính phủ. Bằng cách thể hiện sự đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm giải trình và minh bạch trước các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng xã hội, các tổ chức phi chính phủ đã cho thấy vai trò không thể thiếu của mình trong đời sống xã hội Philippines. Bài viết tìm hiểu thể chế quản lý nhà nước đối với tổ chức phi chính phủ cũng như vai trò nổi bật của các tổ chức này ở Philippines trong thời gian gần đây.

 

4. VŨ THỊ HẢI HÀ

Cải cách giáo dục ở Campuchia dưới thời Bộ trưởng Hang Chuon Naron

Tóm tắt: Sau khi mất nhiều ghế vào tay đảng đối lập chính trong cuộc Bầu cử Quốc hội khóa V năm 2013, Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền đã nhấn mạnh cải cách là ưu tiên hàng đầu đối với Campuchia và Chính phủ nhiệm kì mới sẽ tiến hành công cuộc cải cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực giáo dục, động thái cải cách đầu tiên của Chính phủ đó là bổ nhiệm tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron. Kể từ khi lên nắm quyền, Bộ trưởng Hang Chuon Naron đã có những quyết sách táo bạo để tiến hành cải cách hệ thống giáo dục Campuchia. Trong đó, cải cách thi cử; cải cách liên quan đến giáo viên; thử nghiệm và phát triển mô hình Trường học thế hệ mới được coi là những cải cách đáng chú ý nhất. Trải qua gần một thập kỉ đổi mới, những cải cách này được đánh giá là có hiệu quả, từng bước giúp nền giáo dục Campuchia có thay đổi rõ rệt. Bài viết trình bày những cải cách giáo dục quan trọng ở Campuchia dưới thời Bộ trưởng Hang Chuon Naron, đồng thời đưa ra một số đánh giá, nhận xét về những cải cách này.

 

5. NGUYỄN QUẾ THƯƠNG

Hợp tác phát triển các tuyến giao thông đường bộ phục vụ du lịch giữa Thái Lan và các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng

Tóm tắt: Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch là một trong những chiến lược quan trọng mà các nước Tiểu vùng sông Mekong hiện đang tập trung thực hiện nhằm hỗ trợ tăng trưởng cho ngành du lịch. Chiến lược này hướng đến các tiện ích về giao thông, cơ sở vật chất và tiện nghi cho khách du lịch, an toàn và an ninh cho du khách, trong đó nổi bật nhất vẫn là những hợp tác phát triển giao thông, đặc biệt là giao tho ông đường bộ. Từ năm 2000 đến nay, các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã và đang thực hiện 3 dự án quan trọng liên quan đến Thái Lan như: dự án xây dựng hành lang Đông Tây, dự án xây dựng hành lang duyên hải miền Nam (kết nối các tỉnh ven biển của Thái Lan - Campuchia với Việt Nam), dự án hành lang kinh tế Bắc Nam (Côn Minh - Chieng Rai - Bangkok). Những dự án này không chỉ nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc đẩy mạnh thương mại, đầu tư mà còn góp phần vào việc phát triển văn hóa, du lịch giữa các nước GMS.

 

6. TRẦN THỊ QUỲNH TRANG

Đào tạo tiếng Thái và Thái Lan học tại Hà Nội: Thực trạng và Triển vọng

Tóm tắt: Thái Lan là quốc gia có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan phát triển trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015 đã mở ra nhiều cơ hội cho công tác đào tạo tiếng Thái và Thái Lan học ngày một lớn mạnh hơn. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội của Việt Nam đồng thời cũng là một trong những cái nôi đầu tiên phát triển ngành đào tạo tiếng Thái và Thái Lan học tại Việt Nam. Sau hơn 30 năm phát triển, đào tạo tiếng Thái và Thái Lan học đã có những bước tiến dài, nhu cầu học tập và tìm hiểu về Thái Lan ngày càng cao và đa dạng hơn. Tuy đã đạt được một số thành tựu nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế về nhân lực, phương pháp, giáo trình và tài liệu tham khảo. Trên cơ sở đó, bài viết sẽ điểm lại tình hình đào tạo tiếng Thái và Thái Lan học tại Hà Nội trong đối sánh với các khu vực khác và những triển vọng của ngành học này trong tương lai.

 

7. NGUYỄN TUẤN ANH

Hợp tác phát triển Việt Nam – Australia giai đoạn 2009 - 2022: Thực trạng và Triển vọng

Tóm tắt: Kể từ khi thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2009, hợp tác phát triển Việt Nam - Australia có những diễn biến mới so với hợp tác giai đoạn trước đó. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, những điều chỉnh trong chính sách hợp tác phát triển của Australia kể từ khi Liên đảng Tự do - Quốc gia lên cầm quyền vào năm 2013 đã tác động đáng kể tới quy mô và nội dung hợp tác giữa hai bên. Trong khi đó, việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ đầu những năm 2010 cũng đã kéo theo những điều chỉnh trong chính sách viện trợ ODA của các nhà tài trợ, trong đó có Australia. Ngoài ra, một số nhân tố bên ngoài như suy giảm kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19,... cũng là các nhân tố tác động tới hợp tác phát triển Việt Nam - Australia trong giai đoạn này. Về triển vọng, bài viết cho rằng hợp tác phát triển Việt Nam - Australia sẽ dần chuyển từ mối quan hệ cho nhận viện trợ truyền - thống sang hướng quan hệ đối tác kinh tế bình đẳng hơn, đặc biệt là tập trung vào quan hệ thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn tới.

 

8. NGUYỄN VIỆT DŨNG, TRẦN HỒNG NGỌC

Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)

Tóm tắt: Mục tiêu của bài viết là đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU thông qua phân tích, đánh giá về thực trạng năng lực cạnh tranh của chè Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng như các cơ hội và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh những kết quả đạt được về các khía cạnh năng suất, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, nhận được sự quan tâm phát triển, cũng như những cơ hội liên quan đến giảm mức thuế và cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất khẩu chè của Việt Nam sang EU còn nhiều những hạn chế về thị phần, chất lượng, hoạt động quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại cũng như các thách thức khi phải đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của EU về nguồn gốc, an toàn thực phẩm và môi trường. Trên cơ sở các phân tích này, bài viết đề xuất các nhóm giải pháp về xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực tài chính và đẩy mạnh hoạt động marketing xuất khẩu nhằm góp phần tận dụng các lợi thế của EVFTA, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo khoa học: “Chính sách các nước đối với Tiểu vùng sông Mekong từ lịch sử đến hiện tại”

ĐIỂM SÁCH

“Gắn kết và chủ động thích ứng Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025”

 

63 lượt xem