Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 8 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 8 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. TRƯƠNG QUANG HOÀN

Phát triển và chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế của Campuchia từ năm 1993 đến nay: Kết quả và hạn chế

Tóm tắt: Sau cuộc tổng tuyển cử quốc gia vào năm 1993, Campuchia bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển đất nước. Bên cạnh cải cách hưởng đến tự do hóa nền kinh tế, Chính phủ Campuchia đưa ra các chủ trương, chính sách phát triển và chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng gia tăng đóng góp của khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Campuchia cũng nỗ lực đa dạng hóa các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong mỗi ngành kinh tế. Nhìn chung, cơ cấu kinh tế của Campuchia đã có sự chuyển đổi tương đối rõ nét theo hướng gia tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chuyển dịch lao động và việc làm từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp, qua đó góp phần cải thiện căn bản các điều kiện kinh tế, xã hội của người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Campuchia bộc lộ những hạn chế về mức độ đa dạng hóa trong mỗi ngành kinh tế và giá trị gia tăng sản phẩm, quy mô sản xuất nông nghiệp, tính liên kết giữa ngành công nghiệp và nông nghiệp, hay sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng.

 

2. TRẤN THỊ LAN HƯƠNG, LÊ LAN ANH

Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế Malaysia và triển vọng phục hồi

Tóm tắt: Sự bùng phát của một loại virus mới được gọi tên SARS-CoV-2, xuất hiện vào năm 2019, được Tổ chức Y tế Thế giới xác định là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Sự xuất hiện và lây lan của Covid-19 đã buộc các chính phủ trên thế giới phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus. Đối với các nước đang phát triển, vốn có khả năng tài chính hạn chế, phải đối mặt với thách thức không chỉ trong việc đáp ứng các nguồn lực để ứng phó với đại dịch mà còn phải đối phó với những hậu quả nặng nề mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế, xã hội của quốc gia bị ảnh hưởng. Malaysia cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch toàn cầu này. Để ứng phó với mỗi đợt bùng phát dịch, Chính phủ Malaysia đã ban hành các biện pháp nhằm kiểm soát tốc độ lây lan cũng như tập trung phục hồi lại nền kinh tế trong và sau đại dịch. Bài viết đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế Malaysia dựa trên việc phân tích các biến động chỉ số cơ bản của nền kinh tế; đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp cứu trợ nền kinh tế; qua đó đưa ra một số nhận xét về triển vọng phục hồi nền kinh tế Malaysia sau đại dịch.

 

3. NGUYỄN THỊ HÀ THANH, LÊ LAN CHI

Thực trạng thực hành trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp thuộc top 50 Fortune Global và đề xuất cho một số quốc gia khu vực sông Mekong

Tóm tắt: Trong bối cảnh các vấn đề xã hội như biến đổi khí hậu, tham nhũng, bất bình đẳng,... trở nên bất ổn và khó kiểm soát, việc thực hiện sâu rộng trách nhiệm xã hội đang trở thành xu thế toàn cầu. Lĩnh vực này vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập bởi những giá trị mà nó mang lại có ý nghĩa rất lớn cho cả bản thân doanh nghiệp và các bên liên quan, rộng hơn là cho cả cộng đồng. Các doanh nghiệp tại các quốc gia khu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam đã có sự gia tăng về nhận thức trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) thời gian gần đây nhưng thực tế thực hành CSR ở các doanh nghiệp trong khu vực vẫn còn nhiều hạn chế và chưa mang tính đồng bộ. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng thực hành trách nhiệm xã hội và kiểm tra tác động của điểm số ESG đến hoạt động tài chính của các doanh nghiệp thuộc top 50 Fortune Global kết hợp với phân tích một số điểm nổi bật trong việc thực hành trách nhiệm xã hội tại các quốc gia khu vực sông Mekong, từ đó đưa ra đề xuất nhằm cải thiện hoạt động CSR nói chung tại các quốc gia này, giúp các doanh nghiệp trong khu vực đạt được kết quả tài chính tốt hơn trong tương lai và hướng tới phát triển bền vững.

 

4. LÊ HÒA

Một số thành tựu và hạn chế trong phát triển xã hội Lào giai đoạn 2011 - 2021

Tóm tắt: Sau 10 năm (2011 - 2021) triển khai hai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với nhiều biến động của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt vào những năm 2019 - 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, đã làm cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia của Lào, trong đó có các vấn đề xã hội gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước cùng với sự hợp tác giúp đỡ của cộng đồng Thế giới, tình hình xã hội Lào giai đoạn này có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều mục tiêu phát triển. Bằng phương pháp phân tích, tổng hợp và thu thập số liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bài viết tập trung phân tích thành tựu và hạn chế trong phát triển một số vấn đề xã hội ở Lào giai đoạn 2011 - 2021 như: xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nguồn nhân lực, từ đó nêu lên một số hàm ý cho Việt Nam trong hợp tác phát triển xã hội với Lào thời gian tới.

 

5. TRẤN THỊ QUẾ CHÂU

Cải cách giáo dục của Mỹ ở Philippines trong lĩnh vực ngôn ngữ (1900 - 1935) và hệ quả

Tóm tắt: Một đặc điểm chung của các cuộc cải cách giáo dục theo mô hình phương Tây ở châu Á trong thế kỷ XIX và XX là việc đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy ở hầu hết các quốc gia. Khác với các cường quốc thuộc địa trong khu vực, cải cách giáo dục của Mỹ ở Philippines đã không chỉ đưa tiếng Anh vào giảng dạy như là một ngoại ngữ mà nó còn được chọn làm phương tiện giảng dạy ở tất cả các bậc học và xa hơn là trở thành ngôn ngữ chính thức. Bài viết tập trung làm rõ bối cảnh, nội dung và quá trình thực thi cải cách giáo dục của Mỹ ở Philippines trên lĩnh vực ngôn ngữ trong giai đoạn từ 1900 đến 1935. Trên cơ sở đó, với cách tiếp cận liên ngành giữa lịch sử, ngôn ngữ, và văn hoá, bài viết sẽ phân tích cũng như thảo luận những hệ quả của cải cách này đối với Philippines từ đó cho đến nay. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Philippines là một trường hợp điển hình của quốc gia phải đối mặt với những mâu thuẫn trong việc giải quyết vấn đề ngôn ngữ thời hậu thuộc địa, giữa một bên là xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá và một bên là ý thức bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ dân tộc và định hình bản sắc quốc gia.

 

6. LƯU TRANG, TRƯƠNG BẢO NHI

Những biểu hiện giao lưu văn hóa giữa La Mã và một số quốc gia Đông Nam Á (thế kỷ I - thế kỷ V)

Tóm tắt: Từ quá khứ cho đến hiện tại, giao lưu văn hóa vẫn là dòng chảy xuyên suốt trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Ngay từ thời cổ đại, quá trình giao lưu văn hoá giữa Đông và Tây đã được xúc tiến mạnh mẽ. Thông qua các con đường từ chiến tranh, thương mại, di dân, đến truyền giáo các nền văn minh ấy đã tiếp xúc, học hỏi lẫn nhau tạo thành các nền văn hóa vô cùng đa dạng. Mối quan hệ giao lưu văn hoá giữa La Mã và Đông Nam Á đã diễn ra từ thời cổ đại, luôn được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu nhưng vì nhiều lí do khác nhau mà ít có công trình công bố về những hoạt động giao lưu văn hoá giữa hai khu vực này. Trên cơ sở phân tích những nhân tố tác động, bài viết làm rõ những biểu hiện giao lưu văn hoá giữa La Mã và Đông Nam Á trên các lĩnh vực, từ đó khẳng định tính chất của mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai khu vực; đồng thời định vị rõ vai trò quan trọng của quá trình giao lưu văn hóa và định hướng cho quá trình giữ gìn bản sắc của mỗi quốc gia dân tộc.

 

7. TRƯƠNG THỦY TRINH

Sự tương đồng trong lễ hội, tín ngưỡng vòng đời cây lúa ở một số nước Đông Nam Á

Tóm tắt: Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cho việc tiếp xúc với các nền văn hóa lớn trên thế giới, Đông Nam Á là khu vực đứng đầu về đa dạng tôn giáo. Tuy nhiên, ngay từ thời tiền sử, Đông Nam Á sớm có một nền văn minh nông nghiệp lúa nước phát triển, nó là nhân tố mang lại sự tương đồng về văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó các lễ hội, tín ngưỡng vòng đời cây lúa trở thành một trong những truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc Đông Nam Á. Trên cơ sở trình bày một số lễ hội, tín ngưỡng chính gắn với vòng đời cây lúa trong truyền thống văn hóa ở các nước Đông Nam Á, bài viết nhằm làm rõ sự tương đồng của các lễ hội, tín ngưỡng này ở các nước qua một số đặc điểm: yếu tố nữ, biểu tượng Naga, tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng phồn thực, tính cộng đồng. Đồng thời đánh giá bước đầu về vai trò, vị trí của lễ hội, tín ngưỡng gắn với cây lúa trong đời sống xã hội ở các quốc gia Đông Nam Á. Bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan và là một gợi ý cho các nghiên cứu về vùng văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực lễ hội, tín ngưỡng nông nghiệp khu vực Đông Nam Á.

 

8. NGUYỄN THANH MINH

Quá trình thực thi luật biển quốc tế ở Việt Nam từ năm 1994 đến năm 2021

Tóm tắt: Quá trình thực thi luật biển quốc tế ở Việt Nam bắt đầu từ sự kiện năm 1994 khi Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Kể từ khi trở thành thành viên của Công ước luật biển, Việt Nam đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm trong việc luật hóa luật biển, hệ thống pháp luật của Việt Nam về biển đảo được ban hành đồng bộ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, hợp tác quốc tế về biển. Hơn hai thập niên thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, Việt Nam đã có được những bài học kinh nghiệm trong hoạch định và thực thi chính sách biển, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Trên cơ sở đó, bài nghiên cứu phân tích và luận giải những nội dung của luật biển quốc tế đã được Việt Nam vận dụng trong nội luật hóa, triển khai thực hiện trong thời gian qua, và định hướng cho thời gian tới.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo khoa học: “Phân phối thu nhập của một số nước Đông Nam Á và hàm ý cho Việt Nam”

ĐIỂM SÁCH

Times of Uncertainty (Thời đại bất định)

36 lượt xem