- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9 năm 2021
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. NGUYỄN HUY HOÀNG, VÕ XUÂN VINH, TRẦN KHÁNH
Về chuyến thăm Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (22-26/8/2021)
Tóm tắt: Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Đông Nam á từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 8 năm 2021 nối tiếp sau các cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đồng thời Mỹ với Singapore và với Việt Nam đã thông qua nhiều khuôn khổ hợp tác, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, không gian mạng và phòng chống đại dịch Covid-19. Những kết quả đó cho thấy mối quan hệ Mỹ- Đông Nam á đang có nhiều tiềm năng và ở thời điểm thuận lợi, nhiều cơ hội phát triển. Việc lựa chọn Singapore và Việt Nam là hai điểm đến cho thấy Hoa Kỳ coi trọng Đông Nam á nói chung, Singapore và Việt Nam nói riêng, thể hiện cam kết lâu dài với chiến lược “nước Mỹ trở lại”. Kết quả của chuyến thăm còn mang một ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy triển khai chiến lược ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó Đông Nam á đóng vai trò là trung tâm.
2. TRẦN KHÁNH, HẮC XUÂN CẢNH
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Đông Nam á dưới thời Tổng thống Joe Biden
Tóm tắt: Đông Nam á là một khu vực chiến lược cả về địa chính trị, địa kinh tế ở Châu Á- Thái Bình Dương. Trong khi Trung Quốc coi khu vực này là “sân sau”, nơi có ý nghĩa quyết định thành bại của Sáng kiến Vành đai- con đường (BRI)và Mỹ coi đây là điểm kết nối trọng yếu của Tầm nhìn ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và mở rộng thì lần nữa Đông Nam á trở thành “đấu trường” cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, trước hết là giữa Trung Quốc và Mỹ. Cuộc tranh đua ảnh hưởng tại khu vực này được đẩy lên từ thời Donald Trump và tiếp tục gia tăng từ khi Joe Biden lên làm tổng thống Mỹ. Trong khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao tiền bạc, tăng ảnh hưởng cả kinh tế và mô hình phát triển, gắn chính sách ASEAN với BRI thì Mỹ trở nên quan tâm nhiều hơn ảnh hưởng về an ninh và mở rộng hợp tác chiến lược nhiều hơn với các quốc gia ven Biển Đông và lồng ghép quan hệ khu vực này với POIP. Sự gia tăng ảnh hưởng giữa hai siêu cường này đang tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với Đông Nam á.
3. NGUYỄN NGỌC LAN
Thực trạng cung cấp và tiêu thụ năng lượng thủy điện trong nước của CHDCND Lào
Tóm tắt: Để tận dụng tài nguyên nước dồi dào, Lào đang tích cực xây dựng các đập thủy điện, các nhà máy sản xuất điện để tăng công suất và khai thác tối đa tiềm năng của nguồn năng lượng này để đạt được mục tiêu cung cấp điện cho toàn bộ nhu cầu trong nước. Không chỉ vậy, Lào đã giải quyết được vấn đề về việc tiếp cận nguồn điện tại các khu vực miền núi bằng cách xây dựng các đường dây truyền tải kết nối các nhà máy để cung cấp đầy đủ điện cho vùng cao cũng như phân phối điện phù hợp với nhu cầu từng khu vực. Khi nhu cầu trong nước được đáp ứng, để tận dụng nguồn lực, đặc biệt trong mùa mưa, Lào đã thúc đẩy các cơ chế hợp tác để xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Với những nỗ lực đó, dự kiến, năm 2021, ngành này sẽ phấn đấu xuất khẩu điện năng ra nước ngoài khoảng 2 tỷ USD. Đây là nguồn điện quan trọng cho các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Để làm rõ điều này, bài viết phân tích thực trạng cung cấp và tiêu thụ năng lượng thủy điện tại Lào đối với thị trường trong nước, đồng thời đưa ra những đánh giá và kết luận cụ thể.
4. NGUYỄN THÀNH TRUNG, NGUYỄN NHƯ QUỲNH
Nỗ lực phát triển kinh tế số của các nước ASEAN
Tóm tắt: Khái niệm số hóa, kinh tế số thời gian gần đây trở thành một trong những nội dung then chốt, được đề cập trong các chương trình, kế hoạch của ASEAN. Đây cũng chính là xu hướng tất yếu của thời đại khi cuộc đua công nghệ thông tin và truyền thông xuất hiện trong mọi lĩnh vực, ngành nghề trên toàn cầu. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 liên tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe kinh tế của hàng loạt quốc gia thì kinh tế số trở thành điểm sáng mà những nước này hướng đến, trở thành kim chỉ nam vượt qua giai đoạn căng thẳng. Nhóm tác giả đã đi đến kết luận các quốc gia ASEAN cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, kết hợp cùng nhau tạo nên một nền kinh tế số hiệu quả, nâng cao vị thế của khu vực. Các quốc gia thành viên đã từng bước xây dựng quy chế hợp tác, nâng cấp hạ tầng số và có những kết quả ban đầu.
5. HOÀNG THỊ GIANG
Chính sách đối ngoại của Indonesia thời kỳ Tổng thống Joko Widodo
Tóm tắt: Kể từ khi Joko Widodo lên cầm quyền từ tháng 10/2014, ông đã theo đuổi chính sách ngoại giao khác biệt hoàn toàn với người tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono. Ngay khi nhậm chức, ông cho rằng với tư cách là quốc gia có quy mô dân số lớn thứ ba thế giới, số lượng tín đồ Islam giáo lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam á, Indonesia sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao “cởi mở và tích cực” trên cơ sở sức mạnh quốc phòng thông qua việc tăng cường tầm quan trọng của trục hàng hải toàn cầu với tư cách là định hướng ngoại giao mới. Đồng thời, chính phủ của Jokowi tìm cách lấp đầy khoảng trống mà chính phủ trước đó dường như bị bỏ qua, đó là định hướng trong nước. Với định hướng trong nước, Tổng thống Jokowi đã sử dụng vị thế quốc tế của mình để tăng lợi ích kinh tế quốc gia và chủ quyền chính trị. Nhìn nhận một cách tổng thể, chính sách đối ngoại của Indonesia thời kỳ Jokowi được khái quát bằng một thuật ngữ là “ngoại giao thân dân”, đồng thời Indonesia đang đi theo hướng quyết đoán hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
6. NGUYỄN THỊ HỒNG LAM, TRỊNH HẢI TUYẾN
Nâng cao tay nghề cho lao động thông qua chương trình đào tạo nghề kép ở Thái Lan và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Tóm tắt: Phát triển, nâng cao kỹ năng và năng suất lao động để đáp ứng nhu cầu thị trường đang trở thành mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tại Thái Lan, đào tạo nghề ngày càng nhận được sự quan tâm của chính phủ cũng như của các doanh nghiệp. Nhằm đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề trong nước và quốc tế, chính phủ Thái Lan đã và đang đẩy mạnh hợp tác giữa công và tư để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động ngay khi còn trên ghế nhà trường thông qua chương trình đào tạo nghề kép. Dưới góc độ giáo dục, bài viết sẽ khái quát hệ thống đào tạo nghề ở Thái Lan, nhấn mạnh chương trình đào tạo nghề kép và tầm quan trọng của đào tạo nghề kép đối với việc nâng cao nghề cho lao động Thái Lan trước khi chính thức bước vào thị trường lao động, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
7. NGUYỄN VIỆT CƯỜNG
Chính trị Hồi giáo và nền dân chủ ở Indonesia và Malaysia hiện nay
Tóm tắt: Trong các nền dân chủ Indonesia và Malaysia, chính trị Hồi giáo là nhân tố gắn liền với quá trình dân chủ hóa và phát triển. Thực tế này được xuất phát từ vai trò của Hồi giáo trong xã hội Indonesia và Malaysia với tư cách là tôn giáo chiếm đa số tại mỗi nước. Bên cạnh đó, sự hình thành của hệ thống đảng chính trị tại Indonesia và Malaysia kể từ khi các quốc gia này giành được độc lập từ chế độ thực dân cũng được dựa trên các phân rẽ xã hội. Trong đó, phân rẽ giữa tôn giáo và thế tục là một trong những phân rẽ quan trọng nhất định hình nên các đảng chính trị và hệ thống đảng chính trị tại Indonesia, Malaysia và góp phần tạo dựng bản sắc của chính trị Hồi giáo ở mỗi nước. Thông qua việc xem xét xuất xứ, lịch sử phát triển và quá trình cạnh trạnh chính trị của các đảng chính trị Hồi giáo, phong trào Hồi giáo tại Indonesia và Malaysia, bài viết làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các giá trị Hồi giáo- được đại diện bởi các đảng và phong trào Hồi giáo với các giá trị dân chủ tại mỗi nước. Hay nói cách khác là mối quan hệ giữa chính trị Hồi giáo với dân chủ.
8. CHU TRỌNG TRÍ
Cơ hội và thách thức của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Tóm tắt: Xuất khẩu dệt may là khu vực mũi nhọn trong nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Ngành dệt may có đóng góp quan trọng cho quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, với sự xuất hiện của nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Cơ hội chủ yếu đến từ lộ trình cắt giảm thuế quan khi các FTAs có hiệu lực, trong khi thách thức đến từ sự gia tăng cạnh tranh và bảo hộ mậu dịch kiểu mới trong quan hệ với các quốc gia tham gia FTAs. Bài viết khái quát thực trạng xuất khẩu dệt may của Việt Nam, phân tích các thuận lợi và khó khăn của hoạt động xuất khẩu dệt may, từ đó đưa ra một số nhận định và đánh giá về triển vọng xuất khẩu dệt may của Việt Nam giai đoạn tới.
9. NGUYỄN DUY THỤY
Kinh tế tư nhân vùng Tây Nguyên hiện nay: rào cản và giải pháp
Tóm tắt: Thực tiễn cho thấy, việc phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở vùng Tây Nguyên đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế- xã hội cơ bản của địa phương. Tuy nhiên, do còn có các rào cản nên trong những năm qua, kinh tế tư nhân vùng Tây Nguyên vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng góp vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ thực trạng phát triển kinh tế tư nhân vùng Tây Nguyên hiện nay, bài viết chỉ ra những rào cản và đề xuất các giải pháp góp phần tạo thêm cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển nhanh và bền vững kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên, hòa nhịp với cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.