Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. VÕ MINH TẬP, TRẦN XUÂN HIỆP

Quan hệ ASEAN- EU giai đoạn 1977 - 2022: Nhìn lại và hướng tới

Tóm tắt: Quá trình thực thi luật biển quốc tế ở Việt Nam bắt đầu từ sự kiện năm 1994 khi Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Kể từ khi trở thành thành viên của Công ước luật biển, Việt Nam đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm trong việc luật hóa luật biển, hệ thống pháp luật của Việt Nam về biển đảo được ban hành đồng bộ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, hợp tác quốc tế về biển. Hơn hai thập niên thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, Việt Nam đã có được những bài học kinh nghiệm trong hoạch định và thực thi chính sách biển, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Trên cơ sở đó, bài nghiên cứu phân tích và luận giải những nội dung của luật biển quốc tế đã được Việt Nam vận dụng trong nội luật hóa, triển khai thực hiện trong thời gian qua, và định hướng cho thời gian tới.

 

2. NGUYỄN NGỌC LAN

Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực năng lượng

Tóm tắt: Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có quan hệ truyền thống hữu nghị từ lâu đời, luôn kề vai sát cánh bên nhau, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực. Kể từ khi hai nước tiến hành cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế và khu vực, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Lào có tiềm năng phát triển năng lượng, đặc biệt là thủy điện, trong khi Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ điện năng cao cả trong tiêu dùng lẫn sản xuất nhằm phục vụ các ngành kinh tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Lào đã tiến hành hợp tác phát triển năng lượng và bước đầu thu được những kết quả đáng kể, góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Bài viết nghiên cứu thực trạng hợp tác năng lượng Việt Nam - Lào, chủ yếu trên khía cạnh hợp tác xây dựng các nhà máy thủy điện và trao đổi mua bán điện từ các nhà máy thủy điện, đồng thời đưa ra một số nhận xét đánh giá về mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này.

 

3. LÊ PHƯƠNG HÒA

Chính sách phúc lợi xã hội của Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam.

Tóm tắt: Phúc lợi xã hội là một bộ phận của thu nhập quốc dân, được dùng để làm thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần của người dân trong xã hội. Có nhiều cách tiếp cận phúc lợi xã hội khác nhau, theo nghĩa hẹp phúc lợi xã hội là sự chuyển giao phúc lợi cho các nhóm đối tượng dễ gặp tổn thương. Một số nhà hoạch định chính sách đánh đồng bảo trợ xã hội với mạng lưới an sinh xã hội hay những can thiệp nhằm tạo điều kiện để người nghèo chống lại các cú sốc trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Một số khác có cách tiếp cận rộng hơn, bao gồm trợ cấp giáo dục, y tế, tạo việc làm, các chương trình tín dụng vi mô, cũng như mạng lưới an toàn cho các nhóm có thể dễ bị tổn thương trước những cú sốc. Tại Thái Lan, hệ thống phúc lợi xã hội được hình thành từ khá sớm nhưng các chính sách đầu tư cho phúc lợi xã hội mới chỉ thực sự được chú trọng từ thời Thủ tướng Thaksin với chính sách “dân túy". Từ đó đến nay, chính sách phúc lợi xã hội của Thái Lan đã gặt hái được nhiều thành công, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Việt Nam là nước đi sau Thái Lan về thu nhập và một số vấn đề xã hội như giáo dục, y tế, đồng thời Việt Nam cũng là nước đang trên đường tiến vào ngưỡng dân số già hóa như Thái Lan. Những bài học về phúc lợi xã hội ở Thái Lan có ý nghĩa thực tiễn đối với xây dựng và hoàn thiện chính sách phúc lợi xã hội ở Việt Nam trong vấn đề xác định đối tượng trợ giúp và phương thức trợ giúp xã hội.

 

4. PHÙNG CHÍ KIÊN, NGUYỄN ĐẠI VŨ

Việt Nam tham gia định chế hợp tác Mekong - Lan Thương những năm gần đây: Một tiếp cận về chính trị - an ninh

Tóm tắt: Hợp tác Mekong - Lan Thương là một định chế quốc tế mới và khá tiêu biểu tại Tiểu vùng sông Mekong, trong đó chính trị - an ninh được xác định là một trong những trụ cột cấu thành. Trong những năm gần đây, dù đã có một số hoạt động cụ thể, nhưng so với các trụ cột khác, phát triển hợp tác về chính trị-an ninh trong khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lan Thương vẫn còn những điểm hạn chế. Bởi vậy, bài viết trước hết làm rõ nội dung chính trị-an ninh trong Hợp tác Mekong - Lan Thương, tập trung vào những tuyên bố chung của định chế này về chính trị-an ninh gồm thúc đẩy các mối quan hệ chính trị quốc tế cũng như bảo đảm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Trên cơ sở đó, bài viết tiếp tục vận dụng cách tiệp chính trị-an ninh để phân tích thực trạng, chỉ ra một số vấn đề nổi cộm liên quan đến sự tham gia của Việt Nam vào định chế quốc tế này như việc củng cố, cải thiện vị thế, vai trò quốc gia, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, sự bất đồng trong cách tiếp cận vấn đề chủ quyền và an ninh nguồn nước trong Tiểu vùng sông Mekong,.. Những kết quả đó là cơ sở để các tác giả đề xuất một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong thời gian tới.

 

5. HÀ THỊ ĐAN

Xung đột tôn giáo, sắc tộc ở Indonesia từ năm 1998 đến nay

Tóm tắt: Ở Đông Nam Á, Indonesia không chỉ là quốc gia diện tích rộng, dân số đông mà còn có sự đa dạng về tôn giáo, sắc tộc. Sự đa dạng này một mặt tạo cho Indonesia bức tranh văn hóa độc đáo nhưng mặt khác, cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây nên các cuộc xung đột bạo lực dưới “vỏ bọc” của tôn giáo, sắc tộc. Trong tiến trình lịch sử của xứ vạn đảo này, năm 1998 là thời điểm diễn ra những thay đổi lớn trong đời sống. Tổng thống Suharto từ chức, kết thúc hơn 30 năm nắm quyền độc tài lãnh đạo (1965 - 1998) đã mở ra luồng gió mới trong đời sống chính trị bao gồm cả thuận lợi song cũng đầy thách thức. Cùng với đó là những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ (1997-1998) trong khu vực đã làm chao đảo nền kinh tế trong nước. Sự hỗn loạn về chính trị, sự bất ổn về kinh tế đã dẫn đến sự bùng phát trở lại những cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vốn đã tồn tại từ trước đó. Bài viết thông qua trình bày nguyên nhân, thực trạng và tác động của xung đột tại quốc gia này ở một số khu vực như Aceh, Maluku, Tây Papua, Sulawesi, góp phần gợi mở cho việc giải quyết vấn đề xung đột tôn giáo, sắc tộc ở Indonesia nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung trong quá trình hội nhập và liên kết khu vực.

 

6. NGUYỄN HÀ PHƯƠNG

Dự án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Australia: Những kết quả nổi bật

Tóm tắt: Dự án Australia cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills) do Chính phủ Australia tài trợ nhằm hỗ trợ Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và đóng góp đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sau 5 năm thực hiện, dự án đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp Việt Nam chuẩn hoá chương trình đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao vai trò của giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả của các bên, cung cấp nhiều học bổng cho du học sinh Việt Nam, những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Trên cơ sở làm rõ các nội dung của dự án Aus4Skills, bài viết sẽ đánh giá những kết quả đạt được của dự án này.

 

7. NGUYỄN XUÂN TÙNG

Tình hình thương mại quốc tế của Myanmar trong những năm gần đây

Tóm tắt: Kể từ khi tổng thống Thein Sein lên nắm quyền, nền kinh tế Myanmar đã có nhiều biến chuyển nhờ sự điều chỉnh hàng loạt chính sách cải cách kinh tế, trong đó có chính sách thương mại quốc tế. Đặc biệt từ năm 2014, khi Mỹ và Liên minh châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận, mở ra nhiều cơ hội lớn cho hoạt động thương mại thì Chính phủ Myanmar càng tích cực đẩy mạnh, triển khai các hoạt động, chính sách thương mại quốc tế nhằm góp phần vực dậy nền kinh tế của quốc gia này và bước đầu đạt được thành tựu đáng khích lệ. Bài viết đề cập đến một số chính sách thương mại quốc tế của Myanmar và đánh giá tình hình thương mại quốc tế của quốc gia này trong thời gian gần đây, đồng thời chỉ ra một số gợi ý chính sách thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Myamar.

 

8. ĐOÀN MẠNH ĐỒNG

Tư tưởng Hồ Chí Minh về điều kiện bảo đảm sự thích ứng của chủ nghĩa xã hội ở châu Á

Tóm tắt: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người chiến sĩ tiên phong của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã hoạt động tích cực góp phần đưa chủ nghĩa Mác - Lênin xâm nhập vào các nước Châu Á, phát triển phong trào giải phóng dân tộc, đưa các nước châu Á tiến lên theo con đường cách mạng vô sản. Một trong những đóng góp lớn của Người đối với phong trào là đã xác định một cách đúng đắn về khả năng, điều kiện để chủ nghĩa xã hội có thể dễ dàng thâm nhập, thích ứng và phát triển ở các nước Châu Á. Đây là một sự vận dụng và bổ sung, phát triển về cơ sở lý luận cho Chủ nghĩa Mác - Lênin ở các nước phương Đông của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo khoa học: “Chính sách của các nước lớn đối với Tiểu vùng Mekong: Những vấn đề đặt ra và hàm ý cho Việt Nam

ĐIỂM SÁCH

Ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo (Trường hợp Indonesia và Malaysia)

43 lượt xem