Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9 năm 2023

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9 năm 2023

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

NGUYỄN ĐÌNH CƠ - TRẦN XUÂN HIỆP

Quan hệ Việt Nam và Xiêm La (1802 - 1835): Từ thân thiện đến đối đầu

Tóm tắt: Bài viết luận giải quá trình chuyển biến của quan hệ giữa Việt Nam và Xiêm La ở đầu thế kỷ XIX trong thời kỳ cầm quyền của 2 vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng. Do những yếu tố kế thừa từ quá khứ và những vấn đề nảy sinh ở nội tại, trong 2 thập niên đầu của thế kỷ XIX, Việt Nam và Xiêm La đã luôn duy trì quan hệ hữu hảo, thậm chí hỗ trợ nhau chống lại mối đe dọa từ bên ngoài. Dù vậy mỗi bên đều có những mục tiêu và bước đi riêng để khẳng định vị thế của mình ở khu vực. Sự rạn nứt trong quan hệ giữa triều đình nhà Nguyễn và vương triều Chakri bắt đầu nảy sinh, ngày càng lớn hơn, đỉnh điểm là dưới thời kỳ trị vì của vua Minh Mạng (Việt Nam) và vua Rama III (Xiêm).

 

TRẦN LÊ MINH TRANG

Thực trạng hợp tác của Mỹ với Tiểu vùng Mekong nhìn từ sáng kiến hạ lưu Mekong

Tóm tắt: Với vị trí địa chính trị, kinh tế chiến lược, nguồn lực lao động dồi dào và tài nguyên thiên nhiên phong phú, Tiểu vùng Mekong được hầu hết các cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ quan tâm, thúc đẩy quan hệ thông qua các chương trình hợp tác và liên kết khu vực. Sáng kiến Hạ lưu Mekong (LMI) được đưa ra và thực hiện từ năm 2009 là một phần trong nỗ lực xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương và song phương của Mỹ với Đông Nam Á/ASEAN nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, nhằm góp phần cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các cường quốc khác ở khu vực này, trước hết là với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Các nước Tiểu vùng Mekong hào hứng với sáng kiến này nhằm tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển, trước hết là cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực đối phó với những vấn đề, thách thức an ninh phi truyền thống.

 

TRƯƠNG DUY HÒA

Các cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ở Lào

Tóm tắt: Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số đang là đặc điểm phát triển nổi bật của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu để tạo ra mô hình kinh doanh mới hoạt động theo hệ sinh thái, liên kết dựa trên nền tảng số để hướng đến mục tiêu tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là vấn đề mới, khó, nhạy cảm và khá phức tạp, nhất là đối với các nước có trình độ khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế. Đối với CHDCND Lào, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số đang là thực tế khó cưỡng, tạo ra cho nước này nhiều cơ hội để phát triển. Đảng và Chính phủ Lào đã có nhận thức và đánh giá đúng đắn về tầm quan trọng và vai trò to lớn của kinh tế số, từ đó đã đề ra nhiều chiến lược và chính sách phù hợp để phát triển kinh tế số. Nhưng do các hạn chế về cơ sở hạ tầng thông tin - viễn thông và nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính và con người, nên Lào đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế số. Bài viết phân tích các cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế số ở Lào. Từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách trong hợp tác phát triển kinh tế số ở Lào giữa Việt Nam và Lào trong những năm tới đây.

 

PHẠM KHÁNH DUY

Diện mạo thơ Campuchia sau cách mạng năm 1979 

Tóm tắt: Campuchia là quốc gia có bề dày về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước, nhân dân Campuchia đã nỗ lực bảo tồn và phát triển những giá trị quý báu, góp phần hình thành nên một nền văn chương giàu có, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Sau cách mạng năm 1979, văn học Campuchia đã bước lên một nấc thang mới. Nói riêng thơ ca, giai đoạn này, các tác giả đã chứng tỏ khả năng quan sát và soi rọi hiện thực bằng những nhận thức mới, từ những góc nhìn khác nhau. Vì thế, thơ Campuchia sau năm 1979 đã đạt được những thành tựu không nhỏ, tác động rất lớn vào đời sống tinh thần của nhân dân Campuchia. Mặc dù nằm kề cận và có quan hệ đặc biệt với Việt Nam, song vì nhiều lý do khách quan mà văn học Campuchia (đặc biệt là văn học hiện đại) chưa được phổ biến tại Việt Nam. Bài viết góp phần phác thảo diện mạo thơ Campuchia sau cách mạng năm 1979, từ đó đi đến khẳng định nghĩa tình son sắt của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

 

TRỊNH HẢI TUYẾN

Chính sách ứng phó và phục hồi kinh tế của Singapore sau tác động của đại dịch COVID-19

Tóm tắt: Từ đâu năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động toàn diện đến nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội Singapore. Trước tình trạng đó, Chính phủ Singapore đã thực thi đồng thời các chính sách khác nhau nhằm đảm bảo tính mạng, sức khoẻ cho người dân cũng như ngăn chặn sự suy thoái sâu của nền kinh tế, trong đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết dưới đây xem xét tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Singapore; mục tiêu, nội dung và đánh giá hiệu quả của các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Singapore trong việc quản lý hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra.


NGUYỄN THỊ LÝ

Chính sách giáo dục đối với các dân tộc thiểu số ở CHDCND Lào từ năm 2000 đến nay

Tóm tắt: Với quan điểm khá nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói chung và chính sách giáo dục đối với các dân tộc thiểu số nói riêng từ năm 2000 đến nay, Đảng và Nhà nước CHDCND Lào đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục ở vùng dân tộc và miền núi. Một số chính sách đã bước đầu nâng cao trình độ giáo dục, thay đổi chất lượng giáo dục cho người dân tộc thiểu số ở Lào. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách giáo dục vẫn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

 

NGUYỄN QUANG BÌNH

Trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam"

Tóm tắt: Bài viết tập trung làm rõ tư duy lý luận đột phá rất cơ bản và sáng tạo của trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam". Ngoại giao cây tre minh chứng một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất riêng, đặc sắc, độc đáo của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở khái quát thực trạng đất nước và nhất là thực trạng công tác đối ngoại sau hơn 35 năm Đổi mới, tác giả đề xuất một số giải pháp chính nhằm phát huy sức mạnh ngoại giao "cây tre Việt Nam" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo quốc tế: "Thành phố thông minh vì mục tiêu tăng trưởng xanh"

Tóm tắt: Được sự đồng ý đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/9/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), và Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI) tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực chung thường niên năm 2023 với chủ đề “Thành phố thông minh vì mục tiêu tăng trưởng xanh". Các diễn giả đều đánh giá cao tầm quan trọng của phát triển thành phố thông minh vì mục tiêu tăng trưởng xanh. Những khó khăn và thách thức đặc biệt liên quan tới tài chính, công nghệ và kỹ năng quản trị trong phát triển thành phố thông minh. Đặc biệt đề xuất tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc với các nước Campuchia, Việt Nam và Lào trong phát triển thành phố thông minh trong thời gian tới.

 

ĐIỂM SÁCH

China's Belt And Road Initiative In ASEAN:

Growing Presence, Recent Progress and Future Challenges (Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại ASEAN: Sự gia tăng hiện diện, tiến bộ gần đây và những thách thức trong tương lai)

Tóm tắt: Sự tương tác của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc đã biến đổi và phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây do sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Mối quan hệ ASEAN Trung Quốc hiện tại khác biệt đáng kể so với trước đây, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho cả hai bên. Trong bối cảnh đó, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc được đưa ra, đã bổ sung thêm một góc nhìn mới về bản chất sự trỗi dậy của Trung Quốc trong ASEAN. Cuốn sách "China's Belt And Road Initiative In Asean: Growing Presence, Recent Progress And Future Challenges" (Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại ASEAN: Sự gia tăng hiện diện, tiến bộ gần đây và những thách thức trong tương lai) do Suthiphand Buddhagarn Rutchatorn, Chirathivat, Anupama Devendrakumar biên tập, được xuất bản năm 2022 đã tìm hiểu về các khía cạnh khác nhau của BRI, cung cấp cho người đọc các quan điểm độc đáo, bằng chứng thực nghiệm và thông tin cập nhật về tiến độ tổng thể của BRI ở ASEAN.

10 lượt xem