Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. BÙI NGỌC SƠN

Con đường phát triển và ước mơ khoa học công nghệ của Trung Quốc - Một số hàm ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Sau vài thập kỷ đầy nỗ lực, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc khoa học và công nghệ (KHCN) trên thế giới. Tuy nhiên, nước này còn thiếu nhiều yếu tố nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững của KHCN. Quan trọng, sự cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây sẽ khiến giấc mơ trở thành người lãnh đạo KHCN thế giới của nước này gần như là khó trở thành hiện thực ít nhất là trong vài thập kỷ tới. Bài viết này nhằm trả lời các câu hỏi: (1) Trung Quốc đạt được những thành tích gì trong KHCN và hiện đang ở đâu trong nền KHCN thế giới? (2) Trung Quốc có những chính sách gì và/hay làm thế nào để đạt được điều đó? (3) Những thách thức và triển vọng phát triển KHCN của Trung Quốc là như thế nào? Từ đó, bài viết cố gắng rút ra một số hàm ý về việc Việt Nam có thể học được gì từ những kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển KHCN.

 

2. NGUYỄN MAI ĐỨC

Tình hình phát triển nguồn nhân lực logistics 4.0 của Trung Quốc và kinh nghiệm phát triển cho Việt Nam

Tóm tắt: Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trưởng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho ngành logistics nói riêng và kinh tế thương mại nói chung, Trung Quốc hiện đang hướng tới mảng dịch vụ logistics thông minh như một ưu tiên phát triển hàng đầu. Trong một bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp logistics của Trung Quốc buộc phải nhanh chóng điều chỉnh các hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để theo kịp xu thế. Hưởng phát triển chính mà các nhà quản lý Trung Quốc lựa chọn hiện nay xây dựng các cơ chế thu hút, đào tạo, khuyến khích, phát triển một nguồn nhân lực không chỉ am hiểu kiến thức trong hoạt động quản lý logistics mà còn có thể làm chủ những công nghệ mới nhất, có những kỹ năng tích hợp liên ngành chính, hay còn được gọi là các nhân tải kép. Trên cơ sở phân tích tình hình phát triển nguồn nhân lực logistics 4.0 của Trung Quốc, những vấn đề trong công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực logistics và đối sách, bài viết đưa ra một số kinh nghiệm nhằm phát triển bền vững cho ngành logistics của Việt Nam.

 

QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI

3. NGUYỄN HUY QUÝ

Vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh (1990 – 2022)

Tóm tắt: Tiếp theo bài “Vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ từ 1949 – 1989” (đã đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 8 (252) – 2022), bài viết này trình bày và phân tích vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ từ năm 1990-2022 và rút ra kết luận: Về tầm quan trọng; nội dung cốt lõi; triển vong của vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ; và lập trường của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước trong khu vực.

 

4. PHẠM TIẾN - NGUYỄN ĐÌNH NGÂN

Đông Nam Á trong bản cơ địa chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tóm tắt: Là nơi kết nối giữa hai đại dương lớn nhất của thế giới, Đông Nam Á đang trở thành trung tâm của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) do nhóm Bộ tứ An ninh châu Á (QUAD) làm hạt nhân dưới sự dẫn dắt của Mỹ. Đông Nam Á cũng án ngữ cửa ngõ phía Nam đi ra Ấn Độ Dương để đến với thị trường các quốc gia Trung Đông và châu Phi - nơi không chỉ cung cấp nguyên nhiên liệu cho sự phát triển kinh tế, mà còn là nơi tiêu thụ năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc. Mặt khác, với tư cách là một Cộng đồng kinh tế có hơn 667 triệu người tiêu dùng, GDP năm 2022 ước tính đạt hơn 3.595 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, cùng các nền kinh tế thành viên phát triển năng động, Đông Nam Á đang được kỳ vọng trở thành động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trên bờ vực suy thoái. Như vậy có thể nói, cường quốc nào kiểm soát được Đông Nam Á sẽ có được lợi thế địa chiến lược để củng cố tham vọng bá quyền trong thế kỷ XXI.

Thông qua lăng kính của thuyết Cân bằng sức mạnh, bài viết đánh giá vị thế của Đông Nam Á trong chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, cũng cách thức mà hai siêu cường này sử dụng để kiểm soát Đông Nam Á nhằm giành ưu thế so với đối thủ cạnh tranh tại một địa bàn sẽ quyết định ai là người nắm giữ ngôi vị số 1 thế giới trong thế kỷ XXI.

 

LỊCH SỬ - VĂN HÓA

5. ĐỖ ĐỨC MINH

Nguyên tắc bình đẳng từ học thuyết pháp trị Trung Hoa cổ đại đến học thuyết pháp quyền cận - hiện đại

Tóm tắt: Bình đẳng là một trong những khát vọng, mục tiêu lớn của con người và xã hội và là giá trị tiến bộ của xã hội dân chủ. Đây cũng là một trong những quyền tự nhiên cơ bản, gắn bó mật thiết với con người và hoạt động xã hội, được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong đời sống xã hội và đời sống pháp lý. Là một phạm trù khoa học được nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học với những quan niệm và cách tiếp cận khác nhau, vấn đề bình đẳng cũng được các nhà tư tưởng quan tâm luận giải trong suốt chiều dài lịch sử tư tưởng chính trị pháp lý và để lại những dấu ấn đậm nét trong các học thuyết pháp trị Trung Hoa cổ đại và học thuyết Nhà nước pháp quyền cận-hiện đại.

 

DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI

6. NGHIÊM TUÂN HÙNG - NGUYỄN XUÂN CƯỜNG

Hệ thống thế giới hiện nay - Nhìn từ chủ thể và các mối quan hệ

Tóm tắt: Hệ thống thế giới là một khái niệm trừu tượng, là sản phẩm trong tư duy của con người. Hệ thống đó chứa đựng vai trò và sự tương tác của cả các tác nhân nhà nước và phi nhà nước, cùng với các tổ chức quốc tế (IGO), các tập đoàn đa quốc gia (MNC) và các tổ chức phi chính phủ (NGO). Trong hệ thống thế giới hiện đại, cấu trúc của hệ thống này được cấu thành bởi ba yếu tố: phân bổ quyền lực, các dạng thức quan hệ, và các cơ chế/thể chế phản ánh luật lệ chung mà các chủ thể cần phải tôn trọng. Cấu trúc về khía cạnh chính trị của hệ thống thể hiện sự sắp xếp cụ thể các chủ thể trong hệ thống theo trục quyền lực. Cấu trúc đó tác động đến sự lựa chọn và mẫu hình quan hệ chủ đạo giữa các chủ thể với nhau. Tuy nhiên, các luật lệ chung cũng rất quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ, giữ cho hệ thống ở một trạng thái ổn định nhất có thể. Bằng cách tiếp cận hệ thống – cấu trúc, bài viết đưa ra một cái nhìn tổng thể về hệ thống thế giới hiện nay.

 

TỔNG MỤC LỤC TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC NĂM 2022

63 lượt xem