Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 2 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 2 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. NGUYỄN THỊ HẠ

Tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2021 và triển vọng năm 2022

Tóm tắt: Sau mức tăng trưởng chỉ 2,3% trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh té Trung Quốc đã ghi nhận mức phục hồi ấn tượng trong năm 2021. Tuy nhiên, đây cũng là một năm đầy thách thức đối với kinh tế Trung Quốc khi phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn do những nỗ lực thực hiện các thay đổi cấu trúc nhằm giải quyết những rủi ro trong dài hạn của chính phủ nước này, bên cạnh những thách thức mới từ cả trong nước lẫn môi trường bên ngoài. Nhìn lại nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021, có thể tóm tắt một số nét cơ bản như sau: Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm, nhưng tốc độ đã giảm nhiều trong nửa cuối năm. Sản xuất công nghiệp và đầu tư phục hồi ổn định; xuất khẩu và ngoại thương vẫn mạnh, nhưng cầu trong nước lại yếu đi, tiêu dùng phục hồi chậm do việc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch đang bùng phát trở lại, thị trường bất động sản đi xuống và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn. Bài viết khái quát tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2021, phân tích một số vấn đề kinh tế nổi bật trong năm và dự báo triển vọng năm 2022.

 

2. NGUYỄN ANH CHƯƠNG

Về chiến lược “Trung Quốc khỏe mạnh”

Tóm tắt: Nhằm giải quyết bài toán thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu cải cách, mở cửa trong bối cảnh mới, từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng và hoàn thiện các chính sách thực hiện chiến lược “Trung Quốc khỏe mạnh”. Trên cơ sở nguồn tài liệu tiếp cận được, bài viết sẽ trình bày một cách có hệ thống về nội dung chiến lược “Trung Quốc khỏe mạnh” của Trung Quốc, bao gồm: tư tưởng chỉ đạo, một số nguyên tắc, mục tiêu tổng quát; phân tích chủ trương, chính sách và các giải pháp; bước đầu đưa ra một số nhận xét đề cập đến một số thành tựu chủ yếu đã đạt được và những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với Trung Quốc trong quá trình thực hiện những mục tiêu của chiến lược “Trung Quốc khỏe mạnh”.

 

QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI

3. NGUYỄN HUY QUÝ

Quan hệ Trung - Mỹ năm 2021

Tóm tắt: Bài viết phân tích đánh giá quan hệ Trung Quốc - Mỹ từ sau ngày tân Tổng thống Mỹ Joe Biden lên cầm quyền (20/1/2021) trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại. Quan hệ Trung - Mỹ diễn ra trong năm mà nước Mỹ có sự chuyển giao chính quyền, Trung Quốc có sự thay đổi giai đoạn phát triển, thế giới bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành, cạnh tranh quốc tế (chủ yếu giữa ba thế lực Trung - Mỹ - Nga) phức tạp, gay gắt và khó lường. Trong bối cảnh đó, tác giả đã đưa ra những quan điểm đánh giá bước đầu và dự báo sơ bộ về triển vọng Trung - Mỹ.

 

4. NGUYỄN VĂN LỊCH - NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH

Quan hệ Trung Quốc - EU trong năm 2021

Tóm tắt: Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp; tình hình quốc tế cũng có nhiều biến đổi đã tác động đến cả EU và Trung Quốc. Mặt khác, nội bộ EU cũng như Trung Quốc cũng có những biến động, đã ảnh hưởng đến quan hệ hai bên. Cụ thể, quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng giữa EU-Trung Quốc khá căng thẳng, khi quan điểm của EU đối với Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn. Thậm chí EU đã có các biện pháp trừng phạt Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng trả đũa không kém gay gắt. Về kinh tế, quan hệ thương mại song phương vẫn ổn định. Tuy nhiên, Hiệp định đầu tư vẫn chưa được EU phê chuẩn. Các quan hệ khác cũng không được tốt đẹp. Năm 2022, EU có nhiều sự kiện có thể tác động đến quan hệ EU-Trung Quốc. Dự đoán là quan hệ này khó tốt hơn được so với quá khứ, nhưng quan hệ kinh tế vẫn sẽ ổn định.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ

5. VŨ VIỆT BẰNG - VƯƠNG THỊ HƯỜNG

Sơ khảo tư liệu học giả Trung Quốc sử dụng trong nghiên cứu biển đảo

Tóm tắt: Những năm gần đây, nghiên cứu về biển đảo từ nhiều góc nhìn và cấp độ khác nhau đã được học giới Trung Quốc quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, số lượng nghiên cứu tư liệu biển đảo của nước này đã gia tăng đáng kể. Dưới góc nhìn tổng thuật, bài viết hướng tới đánh giá khách quan tư liệu dùng trong nghiên cứu biển đảo của học giả Trung Quốc trong các công trình đã công bố. Từ đó đổi chiếu tư liệu, thư tịch cổ mà học giả Việt Nam dùng để nghiên cứu, chứng minh chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với các đảo, quần đảo trên Biển Đông.

 

6. ĐÀO VĂN LƯU

Tự sự trong tiểu thuyết sinh thái Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay

Tóm tắt: Trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, khi môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng và nhận thức của nhân loại về khủng hoảng sinh thái ngày một sâu sắc, tiểu thuyết sinh thái đã xác lập được vị thế “xét nhìn” về tự nhiên. Văn học sinh thái Trung Quốc bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX, trải qua mấy chục năm phát triển đã giành được nhiều thành tựu, hình thức diễn ngôn, nguyên tắc, không gian tự sự có nhiều đổi mới và chuyển biến. Tiểu thuyết sinh thái Trung Quốc trong thế kỷ mới đã đột phá những giới hạn hình thức văn học truyền thống về quan hệ giữa con người với tự nhiên. Với sự phát triển của văn học sinh thái Trung Quốc, các nhà văn hy vọng kêu gọi được sự quan tâm của cộng đồng nhằm khắc phục tình trạng khủng hoảng sinh thái trong nền văn minh hiện đại để kiến tạo một thế giới hài hòa giữa con người với tự nhiên.

 

DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI

7. VŨ QUÝ SƠN

Đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc: Thực trạng và triển vọng

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích nguyên nhân khiến ASEAN và Trung Quốc không thể đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) năm 2021, đồng thời, chỉ ra những nhân tố thúc đẩy hoặc giảm thiểu khả năng ASEAN và Trung Quốc đi đến ký kết COC trong năm 2022. Có thể thấy rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến ASEAN và Trung Quốc không thể ký kết COC đến từ cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng; Trung Quốc không còn xem thúc đẩy đàm phán COC là ưu tiên hàng đầu trong vấn đề Biển Đông, thêm vào đó, giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều sự khác biệt về COC. Những nhân tố này đã khiến hai bên không thể đi đến ký kết COC vào năm 2021. Những nhân tố tác động đến việc thúc đẩy hoặc ngăn trở ASEAN và Trung Quốc đi đến ký kết CỌC trong năm 2022 bao gồm: (1) khả năng ảnh hưởng của Trung Quốc đến vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN của Campuchia trong năm 2022, (2) cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines, (3) những khác biệt giữa ASEAN và Trung Quốc về COC, (4) sự can dự của các cường quốc ngoài khu vực, (5) sự đoàn kết của ASEAN.

 

 

 

87 lượt xem