- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 9 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI
1. NGUYỄN THANH GIANG
Giải pháp thu hẹp chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn ở Trung Quốc hiện nay
Tóm tắt: Cải cách mở cửa diễn ra hơn bốn thập kỷ qua đã làm thay đổi căn bản diện mạo đời sống kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Nhưng một thời gian dài, lãnh đạo Trung Quốc thực hiện cải cách theo tư duy “phát triển nghiêng lệch”, “cho phép một bộ phận khu vực, một bộ phận dân cư giàu lên trước, tiến tới thực hiện cùng giàu có” đã để lại không ít vấn đề và mâu thuẫn trong nội bộ nước này, trong đó nổi bật là tình trạng chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây không những là một trở ngại chính của tiến trình cải cách mở cửa nói chung, cải cách nông thôn nói riêng, mà còn là một nhân tố tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ bất ổn và xung đột xã hội, thách thức sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài viết phân tích và đánh giá một số giải pháp mà Trung Quốc đã thực hiện trong những năm gần đây nhằm thu hẹp chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn ở nước này.
2. TRẦN THỊ KIM NGUYÊN
Thực tiễn ký kết Công ước La Hay 2005 về thỏa thuận lựa chọn tòa án của Trung Quốc
Tóm tắt: Tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên chủ thể trong kinh doanh quốc tế nói chung và trong việc giải quyết các tranh chấp về kinh tế thương mại có yếu tố nước ngoài nói riêng là một nguyên tắc hết sức quan trọng. Cụ thể hơn, việc các bên thỏa thuận lựa chọn tòa án theo Công ước La Hay 2005 mở ra rất nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn cầu, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều thách thức đối với các quốc gia thành viên và chưa phải là thành viên Công ước. Trung Quốc luôn là đối tác kinh tế thương mại lớn trong khu vực và thế giới, do đó, việc nghiên cứu thực tiễn ký kết Công ước La Hay 2005 về Thỏa thuận lựa chọn tòa án của quốc gia này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam. Bài viết này sẽ làm rõ hoàn cảnh ký kết, những thuận lợi và khó khăn khi Trung Quốc gia nhập Công ước này.
QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI
3. PHẠM QUỐC THÀNH - PHÙNG CHÍ KIÊN
Cạnh tranh Mỹ- Trung Quốc hiện nay nhìn từ lý thuyết và mối quan hệ giữa các định chế quốc tế với Hệ thống thế giới
Tóm tắt: Định chế quốc tế và hệ thống thế giới đều là những đối tượng nghiên cứu lớn trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ chính trị quốc tế nói riêng. Trong những năm gần đây, rất nhiều biến động lớn đã xảy ra trong nền chính trị thế giới có liên quan đến cả hai đối tượng nghiên cứu này, trong đó có cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, từ đó đặt ra rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết. Với nền tảng chính là cách tiếp cận chính trị học, cụ thể hơn là quan hệ chính trị quốc tế, bài viết này tập trung luận giải một số khía cạnh lý thuyết trọng yếu về định chế quốc tế, hệ thống thế giới cũng như mối v quan hệ giữa chúng. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đưa ra một số luận giải có liên hệ với cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung những năm gần đây xoay quanh các định chế quốc tế truyền thống và định chế quốc tế mới.
4. LÊ LÊ NA
Một số xu hướng vận động của tri thức ở ở Đông Á dưới góc nhìn quan hệ quốc tế
Tóm tắt: Trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, tri thức thường được coi là cơ sở về mặt thông tin, lý thuyết nhằm xây dựng chính sách hoặc luận giải các hiện tượng quan hệ quốc tế hơn là một yếu tố độc lập có ảnh hưởng tới sự vận động của quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, những thay đổi của quan hệ quốc tế, sự phát triển của hệ thống lý thuyết quan hệ quốc tế, và đặc biệt là vai trò ngày càng nổi bật của khoa học - công nghệ trên nhiều phương diện của đời sống quan hệ quốc tế đã khiến tri thức dần được chú ý. Nghiên cứu sau đây sẽ xem xét ba xu hướng vận động của tri thức, bao gồm: giáo dục, nghiên cứu - phát triển, và chuyển giao công nghệ tại Đông Á. Từ đó, tác giả làm rõ đặc điểm và xu hướng vận động của tri thức tại khu vực này.
LỊCH SỬ - VĂN HÓA
5. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG
Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo tới sự tham gia chính trị của phụ nữ Việt Nam
Tóm tắt: Trong xã hội Việt Nam hiện nay, các quan niệm gia trưởng trong hệ tư tưởng Nho giáo về vai trò, vị trí, năng lực, khả năng, phẩm chất, tính cách của phụ nữ và nam giới... vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Các quan niệm mang tính định kiến giới này đã trở thành bức tường vô hình ngăn cản sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ, cản trở phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng và đời sống chính trị của đất nước. Lịch sử Việt Nam và lịch sử trên thế giới đã chứng minh, phụ nữ hoàn toàn có năng lực và có thể làm tốt vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình khi được giao các trọng trách trong hệ thống chính trị của mỗi quốc gia. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam cũng đã chứng minh được vai trò và những đóng góp to lớn của mình trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự tồn tại dai dẳng của các quan niệm mang tính định kiến giới trong tư tưởng Nho giáo trong xã hội Việt Nam đã trở thành một trong những rào cản ngăn trở sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ.
6. LƯU THU HƯƠNG
Những phương thức mở rộng thị trường xuất khẩu phim truyền hình Trung Quốc
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chính sách “truyền thông toàn cầu” nhằm quảng bá văn hóa Trung Quốc ra thế giới thông qua xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ truyền hình. Cụ thể, để thu hút lượng lớn khán giả quốc tế, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy việc mở rộng thị trường xuất khẩu phim truyền hình thông qua các phương thức chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác sản xuất và định vị các thị trường mục tiêu...
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
7. TRẦN LÊ DUY - NGUYỄN THỊ HỒNG YẾN
Yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc và vấn đề đường cơ sở bao quanh các nhóm cấu trúc trong luật quốc tế
Tóm tắt: Yêu sách “Tứ Sa” được nhắc đến trong các công hàm của Trung Quốc từ tháng 12/2019 nay với hai đòi hỏi quan trọng là chủ quyền đối với các nhóm cấu trúc tại Biển Đông và chủ quyền, đến quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển bao quanh các nhóm cấu trúc này. Để hiện thực hoá đòi hỏi này, Trung Quốc cần xác lập hệ thống đường cơ sở tại các nhóm cấu trúc này. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu pháp luật quốc tế có cho phép các quốc gia ven biển xác lập loại đường cơ sở như trên hay không và nếu Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm cấu trúc này thì có phù hợp với luật quốc tế hay không? Để trả lời cho những câu hỏi này, bài viết phân tích nội dung yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc; đồng thời trên cơ sở các căn cứ pháp lý và thực tiễn đưa ra các bình luận về giá trị pháp lý của yêu sách này của Trung Quốc trên Biển Đông.