Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 10 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 10 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG

Chiến lược hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU: Từ chính sách đến hành động

Tóm tắt: Ngày 16/9/2021, Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố Chiến lược hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là bước tiến lớn của EU nhằm can dự vào khu vực có vị trí địa chiến lược này. Bài viết phân tích lý do sự chuyển hướng chiến lược của EU sang khu vực này, nội dung chiến lược, thách thức mà EU phải đối mặt khi tham gia vào khu vực và tác động đến khu vực ra sao.

 

2. HOÀNG VĂN DŨNG & NGUYỄN NHƯ TRANG

Bầu cử tổng thống Pháp năm 2022: Rạn nứt xã hội và địa lý

Tóm tắt: Ngày 24/4/2022, cử tri Pháp đã bầu ông Emmanuel Macron tiếp tục làm Tổng thống nước Cộng hòa Pháp với nhiệm kỳ 5 năm (2022-2027). Kết quả vòng 1 xác nhận sự sắp xếp lại khung cảnh chính trị Pháp bắt đầu từ năm 2017, từ thể đối đầu truyền thống tả-hữu sang thế chân vạc: phe đa số, tự do và tiến bộ do ông Emmanuel Macron đại diện (khối trung dung); khối bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa do bà Marine Le Pen lãnh đạo; trong khi phe thiên tả do ông Jean-Luc Mélenchon dẫn dắt. Kết quả vòng 2 chỉ ra sự chia rẽ, thậm chí là rạn nứt sâu sắc trong khối cử tri Pháp. Nhóm cử tri trẻ nhất và cao tuổi nhất bầu cho ông Macron. Những cử tri là lãnh đạo, có trình độ học vấn cao, thu nhập cao và hài lòng với cuộc sống bầu cho ông Macron. Ngược lại, bà Le Pen thu được kết quả tốt nhất từ những cử tri là công nhân, có trình độ học vấn thấp, thu nhập thấp và không hài lòng với cuộc sống. Ngoài ra, cuộc bầu cử cũng chỉ ra sự rạn nứt giữa thành phố và nông thôn. Ông Macron thu được tỷ lệ phiếu bầu cao ở các vùng đô thị, trong khi bà Le Pen ở những vùng nông thôn.

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

3. NGUYỄN THỊ HÒA MAI

Tác động của đại dịch Covid-19 tới thực trạng nghèo ở Ba Lan

Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực tới tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Một trong những vấn đề mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt là sự gia tăng tỉ lệ nghèo của người dân, thậm chí nhiều người dân bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực. Đây là thách thức lớn cho nền kinh tế của các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu, trong đó có Ba Lan - một trong những nền kinh tế được đánh giá phát triển nhất khu vực Đông Âu. Bài viết nghiên cứu những tác động của đại dịch COVID-19 tới thực trạng nghèo ở Ba Lan và một số giải pháp mà Ba Lan đã áp dụng để hạn chế tình trạng này.

 

4. HỒ THANH HƯƠNG & HOÀNG VŨ LINH CHI

Nền kinh tế số ở Liên minh Châu Âu

Tóm tắt: Trong bối cảnh bùng nổ phát triển nền kinh tế số, EU cũng có những hành động tích cực để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế số, đồng thời thúc đẩy sự phát triển cũng như định hình nền kinh tế số trong khu vực và trên thế giới. Bài viết phân tích về nền kinh tế số ở EU dựa trên 4 tiêu chí gồm nguồn nhân lực, tính kết nối, tích hợp công nghệ số và các dịch vụ chính phủ số theo số liệu báo cáo Chỉ số Kinh tế số và Xã hội số (DESI) năm 2022 của Ủy ban châu Âu, so sánh với mục tiêu số 2030 của EU. Kết quả cho thấy chuyển đổi kỹ thuật số là một trong những thách thức lớn nhất trong nền kinh tế ngày nay, tuy nhiên các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc phân tích chi tiết các hoạt động kỹ thuật số của họ, điều này có thể giúp họ tạo ra các chiến lược CNTT-TT đổi mới và các kế hoạch phát triển kỹ thuật số trong tương lai.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

5. NGUYỄN TUẤN ANH

Quan niệm của Gramsci về sự tha hóa và giải tha hóa con người

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả chú giải quan niệm của Gramsci về sự tha hóa con người và giải tha hóa con người trong xã hội hiện đại. Theo Gramsci, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân khiến bản chất và nhân cách con người bị tha hóa, biến dạng trong xã hội hiện đại. Từ đó, Gramsci đề xuất cách để giải tha hóa là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa phù hợp với bản chất, nhân cách của con người, nơi mà tiềm năng có thể được phát triển tối đa.

 

6. PHẠM NGỌC HIỀN

Các hình thức sân khấu ở châu Âu

Tóm tắt: Trong quá trình phát triển, sân khấu châu Âu đã trải qua nhiều hình thức khác nhau. Sân khấu lưu động ngoài trời hình thành từ thời cổ đại và vẫn còn thích nghi với phong trào kịch quần chúng hiện nay. Sân khấu hộp tạo ảo giác được hình thành từ thời Phục Hưng và vẫn đang thịnh hành. Từ đầu thế kỷ XX, xuất hiện một số khuynh hướng cách tân hình thức sân khấu. Họ bỏ lối trang trí tả thực để thay vào trang trí ước lệ, bỏ sân khấu hộp khép kín để tạo sân khấu mở, giao lưu với khán giả. Các hình thức sân khấu trên vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

7. CHỬ THỊ NHUẦN

Dùng truyền thông đại chúng trong định hướng dư luận: Thực tiễn ở Tây Ban Nha và gợi mở cho Việt Nam

Tóm tắt: Vai trò của truyền thông trong việc định hướng nhận thức của công chúng về các vấn đề chính trị và xã hội từ lâu đã trở thành chủ đề quan tâm của các quốc gia. Tây Ban Nha là quốc gia có nền truyền thông phát triển và là trường hợp điển hình thành công trong việc dùng truyền thông đại chúng để định hướng dư luận trong một số lĩnh vực. Bài viết phân tích khái quát những nét cơ bản về lĩnh vực truyền thông đại chúng ở Tây Ban Nha và nghiên cứu trường hợp Tây Ban Nha dùng truyền thông để định hướng dư luận đối với các vấn đề về hội nhập EU.

 

8. VŨ BÌNH MINH

Vị thế của Việt Nam trong hợp tác thương mại - đầu tư với Liên minh Châu Âu

Tóm tắt: Thời gian qua, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam không chỉ là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương mà còn nằm trong top đầu tăng trưởng kinh tế trên thế giới, được quốc tế đánh giá cao. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực nói riêng và thế giới nói chung, trong đó có hợp tác thương mại - đầu tư với Liên minh Châu Âu (EU). Trong bài viết này, tác giả phân tích những điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư Việt Nam - EU, cũng như đưa ra những đánh giá về vị thế của Việt Nam dưới góc nhìn của EU.

 

THÔNG TIN

Đoàn công tác Viện Nghiên cứu Châu Âu làm việc tại Liên bang Nga

Hội thảo khoa học quốc tế: “Các trào lưu tư tưởng kinh tế tại CHLB Đức: Lịch sử và phát triển”

40 lượt xem