Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 1 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 1 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. NGUYỄN AN HÀ, VŨ MAI PHƯƠNG 

Một số xu thế chính trong phát triển quan hệ Việt Nam - EU tới 2030

Tóm tắt: Bài viết này phân tích thực trạng quan hệ Việt Nam - EU giai đoạn 2010-2020, trên cơ sở đánh giá dự báo những tác động của bối cảnh mới, đưa ra một số xu thế chính trong phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - EU tới 2030 dựa trên những cơ sở pháp lý quan trọng là Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) được kí kết năm 2012 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được kí kết năm 2020, trong đó EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

 

2. LÊ THÀNH NAM

Thái độ của chính khách nước Pháp trước biến động chính trị trong đế chế Anh - trường hợp cuộc đấu tranh của các thuộc địa Bắc Mỹ (1775-1783)

Tóm tắt: Cuộc đấu tranh của cư dân các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ được xem là sự kiện khởi đầu cho làn sóng đấu tranh giành độc lập của cư dân sinh sống ở Tây bán cầu chống lại các quốc gia châu Âu. Đây chỉ là câu chuyện thuần túy trong nội bộ đế chế Anh nhưng cuộc đấu tranh này lại lôi cuốn sự quan tâm theo dõi của nhiều quốc gia phong kiến châu Âu. Triều đình Versailles của nước Pháp không phải ngoại lệ. Sự kiện này mau chóng trở thành chương trình nghị sự cho các chính khách trong nội các nước Pháp muốn thể hiện quan điểm và thái độ. Dựa vào nguồn tài liệu chủ yếu từ phía Mỹ, bài viết phân tích thái độ của nhiều chính khách đang làm việc trong cung điện Versailles khi cuộc chiến tranh giữa Anh với các thuộc địa của họ ở Bắc Mỹ diễn ra. Những nhận thức từ phía chính giới Pháp về một sự kiện liên quan trong nội bộ đế chế Anh trở thành cơ sở cho người đứng đầu chế độ phong kiến nước Pháp quyết định lựa chọn phương án can thiệp vào cuộc đấu tranh đang xảy ra ở lục địa châu Mỹ.

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

3. HỒ THỊ THU HUYỀN

Đại dịch Covid-19 và những tác động đến thị trường lao động vương quốc Anh

Tóm tắt: Tháng 3/2020, làn sóng COVID-19 lần đầu xuất hiện tại Vương quốc Anh và gây tác động nặng nề đến nền kinh tế đất nước. Thị trường lao động là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi sự suy thoái của nền kinh tế. Trong bối cảnh toàn quốc bị “phong tỏa”, nhiều lao động phải chịu cảnh mất việc hoặc nghỉ việc tạm thời hoặc giảm số giờ làm việc, đồng thời với việc giảm lương của người lao động. Để ứng phó với tình hình mới, Chính phủ Anh đã công bố một chương trình hỗ trợ chưa từng có dành cho người lao động - Kế hoạch duy trì việc làm trong thời kì Coronavirus (CJRS), đồng thời cung cấp các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa biết kế hoạch này sẽ đem lại hiệu quả hay không khi mà dịch COVID-19 vẫn cứ kéo dài và chính phủ không thể cứ hỗ trợ mãi.

 

4. NGUYỄN VĂN QUÂN, VÕ THỊ HOÀI

Khuôn khổ pháp lý về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của Cộng hòa Pháp

Tóm tắt: Tại các quốc gia phát triển, phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ có từ lâu. Bài viết giới thiệu khuôn khổ pháp lý kiểm soát xung đột lợi ích trong lịch sử nước Pháp và hệ thống hoá các quy định pháp luật hiện hành về phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích tại Pháp.

 

5. ĐỖ HƯƠNG LAN, NGUYỄN THỊ NHẬT THU

Hợp tác kinh tế Nga - Trung trong thời kỳ mới

Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng trạng hợp tác tài chính, thương mại và đầu tư giữa Nga và Trung Quốc chủ yếu trong giai đoạn 2010-2019. Trên cơ sở tổng kết những vấn đề còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, bài viết đưa ra các giải pháp tương ứng nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững của hợp tác tài chính, thương mại và đầu tư giữa hai nước, như đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, đẩy mạnh đầu tư song phương, cải thiện hệ thống tiền tệ địa phương, tăng cường giám sát tài chính và hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực phi tài chính…

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

6. NGUYỄN ĐỨC CHIỆN

Mâu thuẫn xã hội qua góc nhìn của một số học giả phương Tây

Tóm tắt: Mâu thuẫn xã hội là một hiện tượng phổ biến trong đời sống xã hội, đặc biệt là từ khi xã hội có giai cấp. Mâu thuẫn xã hội có xu hướng gia tăng trong bối cảnh xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và đe dọa sự ổn định, an toàn cộng đồng, để lại hệ lụy lâu dài đối với phát triển của quốc gia. Các học giả phương Tây có những đóng góp quan trọng về lý luận và phương pháp tiếp cận mâu thuẫn, xung đột xã hội. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp, bài viết này tìm hiểu mâu thuẫn xã hội qua góc nhìn của một số học giả phương Tây, gợi mở xây dựng khung lý luận nghiên cứu nhận diện mâu thuẫn, tìm ra quy luật của mâu thuẫn xã hội và đề xuất khuyến nghị nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, giảm thiểu mâu thuẫn xã hội, hướng đến phát triển bền vững xã hội.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

7. NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG, LÊ THỊ NGỌC YẾN

Kinh nghiệm của Pháp về tổ chức người lao động tại cơ sở và một vài kiến nghị cho Việt Nam

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu mô hình tổ chức đại diện người lao động theo pháp luật Cộng hòa Pháp, và những quy định về quyền thương lượng tập thể của tổ chức này trong bối cảnh Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam còn mới và chưa được cụ thể hóa nhằm đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.

 

8. NGUYỄN THỊ QUỲNH HOA, NGUYỄN THỊ QUỲNH HOA

Phát triển xuất khẩu thủy sản của Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị chính sách trong bối cảnh thực thi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)

Tóm tắt: Bài viết khẳng định EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ sau Mỹ) liên tục cho đến năm 2018 và được đánh giá là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng đối với thủy sản và thủy sản chế biến của Việt Nam. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và xa hơn đến năm 2030, việc mở rộng tự do hàng hóa thương mại và thực thi các FTA thế hệ mới, đặc biệt là EVFTA sẽ mở ra những cơ hội mới trong phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với những nước lớn thuộc EU, đồng thời đi kèm những khó khăn, thách thức rất lớn. Do đó, muốn duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cần đánh giá thực trạng phát triển xuất khẩu, chỉ ra những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, làm cơ sở đề xuất các giải pháp, chính sách mang tính khả thi nhằm phát triển xuất khẩu bền vững mặt hàng thủy sản, coi đó như một mục tiêu, một yêu cầu tất yếu khách quan trong bối cảnh mới.

 

78 lượt xem