Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 1 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 1 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. NGUYỄN HỒNG QUÂN

Cuộc khủng hoảng Kazakhstan tháng 1/2022 và triển vọng quan hệ Kazakhstan - Liên bang Nga

Tóm tắt: Các cuộc biểu tình, bạo loạn diễn ra ở Kazakhstan đầu tháng 01/2022 đã khiến chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Lực lượng Tổ chức Hợp tác An ninh tập thể (CSTO), trong đó có quân đội Nga, đã được mời tới tham gia lập lại ổn định. Nhân cơ hội này, Tổng thống Tokayev đã thay đổi nhân sự bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước. Cuộc biểu tình không dẫn đến thay đổi chế độ, nhưng sẽ khiến chính quyền nước này phải điều chỉnh chính sách đối ngoại để định vị mình ở khu vực cũng như trên thế giới. Bài viết phân tích tình hình trước và sau cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan và những cơ hội cùng thách thức trong quan hệ giữa nước này với Liên bang Nga trong thời gian tới.

 

2. ĐỖ THỊ THANH BÌNH & VŨ TIẾN ĐỨC

Chính sách đối ngoại của Đức thời kỳ “hậu Merkel”

Tóm tắt: Ngày 08/12/2021, Chính phủ mới của Đức được thành lập bởi liên minh giữa ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và Dân chủ Tự do (FDP) với khẩu hiệu “Tiến bộ hơn - liên minh vì tự do, công bằng và bền vững”. Ngoài việc duy trì những thành tựu mà Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Angela Merkel đã đạt được, Đức sẽ có một số điều chỉnh trong chính sách đối ngoại để phù hợp với tình hình mới, tiếp tục thúc đẩy việc trở thành một đối tác tin cậy trong quan hệ quốc tế, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và chống biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU) và duy trì lập trường cân bằng, thực dụng trong quan hệ với các đối tác lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc.

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

3. HÀ CÔNG ANH BẢO & PHẠM NGỌC GIA BẢO

Quan điểm về thỏa thuận trọng tài bất cân xứng ở nước Anh và đề xuất một số bài học cho Việt Nam

Tóm tắt: Thỏa thuận trọng tài, điều khoản được xem là nền tảng, cơ sở quan trọng nhất cho thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài, ngày càng được xây dựng và phát triển đa dạng. Một trong những dạng thỏa thuận trọng tài tương đối mới và còn gây nhiều tranh cãi trong thực tiễn thương mại hiện nay đó là thỏa thuận trọng tài bất cân xứng. Bài viết sẽ tập trung nghiên cứu về quan điểm của nước Anh liên quan đến thỏa thuận này thông qua phân tích quá trình xét xử một số vụ việc cụ thể. Dựa trên cơ sở đó, bài viết sẽ đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam khi áp dụng và giải quyết các vụ việc liên quan đến thỏa thuận trọng tài bất cân xứng.

 

4. NGUYỄN VĂN LỊCH & NGUYỄN HẢI PHƯƠNG

Kinh tế Vương quốc Anh năm 2021

Tóm tắt: Năm 2021 là một năm khó khăn với kinh tế Anh trong bối cảnh hậu Brexit và tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp. Từ tháng 03÷06/2021, kinh tế Anh có dấu hiệu phục hồi và phát triển mạnh mẽ nhờ hiệu quả của các lệnh phong tỏa và chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Ở thời điểm đó, Anh đã quyết định chấp nhận sống chung với bệnh dịch, bất chấp dịch COVID-19 ngày càng phức tạp với biến thể mới. Mức tăng trưởng 0,1% so với thời điểm dịch chưa bùng phát giữa lúc dịch bệnh căng thẳng vào tháng 11/2021 đã cho thấy nỗ lực to lớn của Chính phủ Anh trong việc vừa thực hiện phát triển kinh tế vừa chung sống với bệnh dịch, mở ra năm 2022 với nhiều cơ hội mới.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

5. NGUYỄN ĐỨC CHIỆN

Một số vấn đề về phương pháp luận nghiên cứu niềm tin xã hội ở Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Định hình phương pháp luận là hướng đi rất quan trọng trong nghiên cứu xã hội học. Nhận thức thấu đáo phương pháp luận là cơ sở để hình thành ý tưởng đề tài, lý thuyết, câu hỏi, giả thuyết và thiết kế phương pháp nghiên cứu, đo lường niềm tin xã hội. Điều này giúp tránh cho nghiên cứu rơi vào khuynh hướng sai lệch không gắn kết lý thuyết và thực nghiệm, dừng lại ở kết quả điều tra, và chủ nghĩa kinh nghiệm,... Dựa vào nguồn tư liệu thứ cấp, với phương pháp tổng quan, bài viết này đưa ra một vài luận giải mới nhằm góp phần làm rõ hơn phương pháp luận nghiên cứu niềm tin xã hội trong bối cảnh xã hội Việt Nam chuyển đổi và hội nhập ngày càng sâu rộng.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

6. NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Ngân hàng nước ngoài đầu tư vốn vào nền kinh tế Việt Nam và vấn đề đặt ra với ngân hàng châu Âu khi thực hiện EVFTA

Tóm tắt: Ngân hàng nước ngoài nói chung, các ngân hàng châu Âu nói riêng đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam thông qua 4 kênh khác nhau: bỏ vốn điều lệ thành lập pháp nhân là ngân hàng 100% vốn nước ngoài hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, mở rộng cho vay vốn đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam; thành lập ngân hàng liên doanh giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng thương mại Việt Nam; mua cổ phần trở thành cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm cổ phần; cho vay hợp vốn thông qua các ngân hàng thương mại Việt Nam. Sau khi Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam vào năm 1995 và sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO vào năm 2007, rất nhiều lo ngại khối ngân hàng nước ngoài sẽ cạnh tranh, chép ép và gây bất lợi cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi thực hiện các EVFTA, việc nới tỷ lệ sở hữu cho các ngân hàng châu Âu cũng đang đặt ra một số cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Vậy thực trạng những nội dung đó ra sao? Bài viết tập trung làm rõ những khía cạnh chủ yếu hoạt động của các ngân hàng nước ngoài, từ đó đưa ra khuyến nghị có liên quan.

 

7. HOA HỮU CƯỜNG & CHỬ THỊ NHUẦN

Chiến lược xây dựng đạo đức trí tuệ nhân tạo tại CHLB Đức và một số gợi mở cho Việt Nam

Tóm tắt: Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, AI cũng làm phát sinh các vấn đề kinh tế xã hội mới như bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư; thành kiến không công bằng... tất cả những vấn đề đó cần một cơ chế mới để điều chỉnh. Trong bối cảnh đó, một số nước thành viên EU trong đó có Đức đã xây dựng những quy định riêng trong một số lĩnh vực ứng dụng AI. Cụ thể, vào tháng 11 năm 2018, chiến lược quốc gia về AI của CHLB Đức đã được ra đời, đề ra một loạt các biện pháp về đạo đức. Bài viết phân tích và làm rõ các nguyên tắc về đạo đức AI và chiến lược xây dựng cơ chế để vấn đề đạo đức AI từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước đi vào cuộc sống, từ đó thấy được những giá trị tham khảo cho Việt Nam.

 

THÔNG TIN

8. BÙI VIỆT HƯNG

Hội thảo: “Đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La”

 

9. LƯ VĨ AN

Lịch sử Giáng sinh và nguồn gốc của Santa Claus

Tóm tắt: Theo đức tin Kitô giáo, Giáng sinh là ngày lễ nhằm kỷ niệm sự ra đời của Chúa Jesus. Mặc dù ngày nay Giáng sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 hàng năm, nhưng vào những thế kỷ đầu Công nguyên, Giáng sinh chưa được tổ chức bởi tín đồ Kitô. Thánh lễ này chỉ được biết tới từ thế kỷ IV. Nguồn gốc ngày 25 tháng 12 của Giáng sinh là sự chuyển tiếp và hợp nhất của các yếu tố văn hóa Hy-La, Ba Tư và Do Thái với đức tin Kitô. Sự kết nối giữa tín ngưỡng thờ thần Mặt trời Mithra với lễ Đông chí truyền thống và đức tin Kitô đã dẫn tới sự ra đời của Giáng sinh. Tương tự, về nguồn gốc của Santa Claus (Ông già Noel), từ một nhân vật có thật trong lịch sử là Thánh Nicholas thành Myra đã được chuyển hóa thành hình tượng Santa Claus. Trên cơ sở tiếp cận các tài liệu nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, bài viết này tìm hiểu nguồn gốc Giáng sinh và các phong tục truyền thống trong Giáng sinh cũng như nguồn gốc của Santa Claus.

 

 

 

81 lượt xem