Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 3 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 3 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. NGUYỄN HẢI LƯU

Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp, Cộng hòa Sip với Thổ Nhĩ Kỳ và một số vấn đề đặt ra

Tóm tắt: Thời gian gần đây, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp, Cộng hoà Síp và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế và tiềm ẩn nhiều hệ luỵ đối với an ninh, ổn định của khu vực cũng như lợi ích của các bên liên quan. Từ góc độ nghiên cứu, bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu bối cảnh, nội dung chính của tranh chấp này và những vấn đề đặt ra về bản chất, tác động và triển vọng giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.

 

2. TRẦN MINH HOÀNG

Nước Pháp trước những thách thức của Hồi giáo

Tóm tắt: Các nước châu Âu đa số đều theo mô hình nhà nước thế tục (laicite), đồng nghĩa với việc nhà nước giữ vai trò trung lập về các vấn đề tôn giáo, không được can thiệp, ủng hộ hay phản đối bất kỳ tôn giáo nào, cũng như tôn trọng quyền hoài nghi về tôn giáo. Tuy nhiên, ít có nước nào trong châu Âu mà giá trị thế tục này lại được ghi vào trong Hiến pháp và trở thành một biểu tượng của quốc gia như Pháp (cùng với các giá trị khác về Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Mặt khác, chính giá trị thế tục này lại khiến nước Pháp hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Hồi giáo. Bài viết sau đây phân tích vai trò của Hồi giáo tại Pháp, những thách thức và cách xử lý của Nhà nước Pháp nhằm đảm bảo vai trò trung lập của nhà nước.

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

3. NGUYỄN THỊ HỒNG MINH

Ảnh hưởng của Văn hóa chính trị đến mô hình dân chủ xã hội Bắc Âu

Tóm tắt: Văn hóa chính trị là một trong những nhân tố quan trọng định hình mô hình dân chủ xã hội Bắc Âu với các giá trị tiêu biểu: Đối thoại xã hội hướng tới sự đồng thuận, niềm tin xã hội lớn và trọng lợi ích cộng đồng và bình đẳng. Đối thoại xã hội trong đời sống kinh tế lẫn chính trị giúp tạo ra một xã hội hài hòa, phát triển dựa trên sự đồng thuận. Niềm tin xã hội lớn đã phản ánh tính chính đáng của quyền lực nhà nước giúp duy trì mô hình thể chế và ổn định xã hội. Trọng lợi ích cộng đồng và bình đẳng đã thúc đẩy sự can thiệp sâu của nhà nước vào xã hội song không làm mất đi tinh thần dân chủ. Trên nền tảng văn hóa chính trị đó, mô hình dân chủ xã hội Bắc Âu đã đạt được những thành công trong vận hành thể chế chính trị và đạt chỉ số thịnh vượng cao nhất thế giới.

 

4. TRỊNH THỊ HIỀN

Quỹ tài chính của bảo hiểm xã hội cho nông dân ở Hy Lạp

Tóm tắt: Hệ thống bảo hiểm xã hội Hy Lạp đã cung cấp một quỹ bảo hiểm đặc biệt cho nông dân ở quốc gia này - Tổ chức Bảo hiểm Nông nghiệp (OGA) dưới sự giám sát của Bộ Lao động và Bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm của nông dân nằm trong số các ưu tiên chính sách chính của mô hình an sinh xã hội trong nước. Bài viết nghiên cứu cơ chế hình thành và quản lý quỹ tài chính bảo hiểm xã hội cho nông dân ở Hy Lạp.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

5. ĐỖ THỊ THỦY, HÀ VĂN LỰC

Sự điều chỉnh trong chính sách an ninh nước nhỏ của Thụy Sĩ sau chiến tranh lạnh

Tóm tắt: Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, các nước nhỏ ngày càng thể hiện vai trò gia tăng trên trường quốc tế, tuy nhiên những mối đe dọa đối với an ninh của họ cũng theo đó ngày càng đa dạng và phức tạp. Dựa trên việc phân tích các thách thức an ninh đối với các nước nhỏ cũng như các mô hình chính sách đảm bảo an ninh phổ biến của họ, bài viết sẽ so sánh đối chiếu với trường hợp Thụy Sĩ để làm rõ những thay đổi trong chính sách trung lập của Thụy Sĩ sau Chiến tranh Lạnh, từ đó đưa ra những đánh giá về tính hiệu quả của chính sách này.

 

6. NGUYỄN ÁNH HỒNG MINH

Đạo đức trong nghiên cứu khoa học ở Đức hiện nay

Tóm tắt: Hiện nay, việc thành lập các hội đồng đánh giá đạo đức trong nghiên cứu khoa học là yêu cầu chung trên thế giới, đặc biệt ở các nước tiến bộ và phát triển. Việc học hỏi kinh nghiệm đảm bảo đạo đức trong nghiên cứu khoa học của những nước có nền khoa học tiên tiến sẽ cho chúng ta những bài học cho việc xây dựng và thiết lập các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả tập trung trình bày thực trạng đạo đức trong nghiên cứu khoa học ở Đức hiện nay, từ đó chỉ ra một số nguyên nhân của tình hình này và rút ra bài học kinh nghiệm.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

7. HÀ VĂN HỘI, PHẠM XUÂN HOAN

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và những ảnh hướng đến thương mại - đầu tư của Việt Nam

Tóm tắt: Trong bối cảnh hiện nay, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có ý nghĩa rất to lớn và thiết thực, đồng thời là một nhu cầu cần thiết cho cả hai quốc gia. UKVFTA tạo những động lực mới, góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, với nền tảng là kế thừa EVFTA, UKVFTA sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, góp phần tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên. Bài viết khái quát những nội dung cơ bản của UKVFTA và những ảnh hưởng Hiệp định này tới thương mại và đầu tư của Việt Nam. Từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả UKVFTA. Đặc biệt trong bối cảnh hai bên vừa gia hạn việc duy trì quan hệ song phương ở cấp độ Đối tác chiến lược thêm 10 năm, kể từ tháng 9/2020.

 

8. LƯƠNG THỊ HỒNG

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ Đức trong giai đoạn 1950 - 1975

Tóm tắt: Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhân dân Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời, chưa được nhiều nước trên thế giới công nhận và đặt quan hệ ngoại giao. Nền kinh tế vừa bị chiến tranh tàn phá, vừa không có điều kiện hoà bình để phát triển. Trước những khó khăn đó, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức. Bài viết tập trung phân tích quá trình hợp tác, giúp đỡ về kinh tế của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức đối với Việt Nam trong giai đoạn 1950-1975 nhằm thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa Chính phủ Việt Nam và Đức, đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng trong quá trình vận động, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế.

 

9. ĐỖ HƯƠNG LAN

Việt Nam và Liên Bang Nga trong hội nhập kinh tế Á - Âu và Châu Á - Thái Bình Dương

Tóm tắt: Trong thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI thế giới chứng kiến làn sóng hội nhập kinh tế song phương và đa phương cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bối cảnh địa chiến lược, địa kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ khiến các cường quốc và những nước nhỏ đều điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình để thích ứng với điều kiện mới. Việt Nam và Liên bang Nga là những đối tác truyền thống của nhau trên cơ sở 70 năm hợp tác và cùng phát triển, hiện giờ cùng nhau bước vào giai đoạn phát triển mới - hợp tác và hội nhập trên cơ sở đảm bảo lợi ích của đôi bên trong các thể chế hợp tác kinh tế khu vực mà FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu là minh chứng cho sản phẩm hội nhập đó. Bài viết sẽ phân tích vai trò và vị trí của hai nước trong tiến trình hợp tác và hội nhập kinh tế Á - Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

 

 

121 lượt xem