Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 5 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 5 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. NGUYỄN CAO THANH

Alexis de tocqueville và nền dân chủ ở Mỹ

Tóm tắt: Với tác phẩm “Về nền dân chủ ở Mỹ”, nhà luật học Pháp de Tocqueville được coi như cha đẻ của Chính trị luận so sánh. Cho đến hôm nay, tác phẩm này vẫn tiếp tục là sách gối đầu giường của những người nghiên cứu về Mỹ nói chung và chính trị Mỹ nói riêng. Bài viết chọn lọc một số yếu tố của tác phẩm để góp phần tìm hiểu những mô típ quyết định của người Mỹ trong bầu cử tổng thống.

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

2. VÕ TUẤN HƯNG, NGUYỄN XUÂN BẮC

Phát triển nhân lực số trong bối cảnh kinh tế số ở Châu Âu và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Tóm tắt: Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng và sự đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những phát kiến công nghệ mới liên tục ra đời đã mang đến bước tiến quan trọng cho nền kinh tế số. Vì vậy, việc thu hút, xây dựng và phát triển nhân lực số đang là một vấn đề tối quan trọng của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Nguồn nhân lực số là 1 dạng thức hữu hiệu để thực hiện nhân lực xanh và sẽ có thể đáp ứng các yêu cầu và làm tốt hơn cho sự phát triển kinh tế bền vững. Tùy theo điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mà mỗi quốc gia lựa chọn những đối sách khác nhau, nhằm thu hút, đào tạo và phát triển nhóm nhân lực tinh hoa này để phục vụ cho nền kinh tế số. Bài viết tập trung vào những kinh nghiệm phát triển nhân lực số ở châu Âu, từ đó rút ra một vài khuyến nghị cho Việt Nam.

 

3. TRẦN THẾ TUÂN

Những thách thức từ EVFTA đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam

Tóm tắt: Với những cam kết về ưu đãi thuế quan ở mức cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ là “cú huých” rất lớn cho xuất khẩu nông, lâm sản của Việt Nam, trong đó có ngành gỗ. Khi EVFTA được thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp ngành công nghiệp gỗ trong nước. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những khái quát về EVFTA, chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

4. NGUYỄN THỊ NGA, LÝ THỊ THU NGUYỆT, NGUYỄN HUY HOÀNG

Nguồn tài chính của Mỹ và những tác động đối với tình hình tái thiết nước Đức sau chiến tranh Thế giới thứ nhất (1924-1929)

Tóm tắt: Lịch sử nước Đức trong những năm 20 của thế kỉ XX là những gam màu đối lập nhau: những năm đầu là tình trạng siêu lạm phát về kinh tế, khủng hoảng gay gắt về chính trị, xã hội; những năm tiếp theo là sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Chỉ trong khoảng một thập kỉ, từ một đất nước kiệt quệ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Đức đã vươn lên trở thành nền kinh tế đứng đầu châu Âu, đối nội và đối ngoại đều đạt được nhiều thành tựu. Chất xúc tác tạo ra sự chuyển biến sâu sắc và thành công của nước Đức chính là các kế hoạch về sự điều chỉnh lại vấn đề bồi thường chiến tranh mà Đức phải gánh chịu, nhờ đó đã mở ra cánh cửa cho các dòng vốn khổng lồ từ bên ngoài chảy vào nền kinh tế Đức. Vì vậy, trên cơ sở phân tích tình hình nước Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bài viết trình bày thực trạng các nguồn tài chính, đặc biệt là của Mỹ, được đưa vào Đức trong những năm 1924-1929 để có thể đánh giá về những tác động của nguồn vốn này với sự thành công trong quá trình tái thiết nước Đức.

 

5. ĐOÀN THỊ HÀ

Sự phân hóa xã hội trong không gian đô thị: Nghiên cứu trường hợp về rạp chiếu phim ở New York (Mỹ) và Flanders (Bỉ)

Tóm tắt: Nghiên cứu này trình bày và phân tích về sự khác biệt xã hội trong không gian đô thị, trong đó rạp chiếu phim ở một số thành phố điển hình ở phương Tây. Trong giới hạn của nghiên cứu, sự so sánh về vấn đề này giữa các thành phố chưa được khai thác. Vì vậy, nghiên cứu này được coi là sự gợi mở để các nghiên cứu tiếp theo được tiến hành trong phạm vi rộng hơn cả ở Việt Nam và các quốc gia khác.

 

6. PHẠM NGỌC HIỀN

Luật tam duy nhất trong kịch phương Tây và sự vận dụng ở Việt Nam

Tóm tắt: Trong kịch cổ điển châu Âu, người ta đưa ra luật tam duy nhất: một hành động, một không gian, một thời gian. Người Pháp đã mang những nguyên tắc này vào kịch Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Bài viết trình bày thực trạng tuân thủ luật tam duy nhất trong kịch Việt Nam. Lý giải căn cứ tuân thủ cho thấy luật này đã được sử dụng linh hoạt và phù hợp với từng loại kịch.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

7. ĐÀO HƯƠNG THỦY

Hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Cộng Hòa Liên Bang Đức giai đoạn từ 1990 đến nay

Tóm tắt: Đức là quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu có quan hệ ngoại giao lâu bền với Việt Nam. Trong quan hệ ngoại giao văn hoá giữa Việt Nam với Đức, nổi lên là hợp tác giáo dục. Sự hợp tác này đã mang lại cho cả hai nước nhiều kết quả quan trọng và có xu hướng ngày càng phát triển. Hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và CHLB Đức được thực hiện với nội dung phong phú và hình thức đa dạng. Từ việc cấp học bổng, trao đổi đào tạo học sinh, sinh viên, cán bộ cho đến hợp tác trong đào tạo, quảng bá ngôn ngữ, văn hoá và trao đổi trình độ, công nghệ, khoa học kĩ thuật cũng như là hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Bài viết nghiên cứu một số nội dung cơ bản của quá trình hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và CHLB Đức giai đoạn từ 1990 đến nay.

 

79 lượt xem