Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 6 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 6 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. TRẦN THỊ THU HƯƠNG

Cạnh tranh ảnh hưởng Nga – Trung tại Trung Á từ 2014 đến nay

Tóm tắt: Xu hướng đa cực của thế giới hiện nay khiến việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các nước lớn càng trở nên thiết yếu, trong đó có quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Ngoài ra, với vị trí địa chiến lược quan trọng (là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Liên bang Nga, chia sẻ đường biên giới dài với Trung Quốc), tài nguyên dầu và khí đốt dồi dào, Trung Á trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt của hai cường quốc này. Thông qua phương pháp thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu, và so sánh, phân tích dữ liệu, bài viết phân tích cạnh tranh chiến lược trong quan hệ giữa hai quốc gia tại khu vực Trung Á trên các lĩnh vực, đồng thời chỉ rõ sự cạnh tranh tác động đến các nước Trung Á cũng như các cường quốc khác trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ và các nước châu Âu.

 

2. HOÀNG VŨ LINH CHI, HỒ THANH HƯƠNG

Một số thách thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Liên minh Châu Âu

Tóm tắt: Trí tuệ nhân tạo là trung tâm của rất nhiều công nghệ hiện đại đang được phát triển và triển khai trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiệu quả của hệ thống sản xuất, tăng cường an ninh và theo rất nhiều cách khác mà chúng ta chỉ mới bắt đầu hình dung. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn như đưa ra quyết định không rõ ràng, thiên lệch và phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của con người hay bị sử dụng cho các mục đích phạm tội. Bài viết dùng phương pháp tổng quan, phân tích tổng hợp trình bày một số thách thức phi truyền thống mà trí tuệ nhân tạo mang lại tại các nước Liên minh Châu Âu và gợi ý một số chính sách cho Việt Nam trong phát triển trí tuệ nhân tạo.

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

3. LÊ VĂN TUYÊN

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Liên minh Châu Âu trong bối cảnh triển khai EVFTA: Thách thức về rào cản và kiến nghị

Tóm tắt: Thị trường Liên minh Châu Âu là thị trường trọng điểm đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với nhiều mặt hàng có lợi thế như giày dép, dệt may, thủy hải sản, cà phê... Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu được ký kết và có hiệu lực đã mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, hàng rào phi thuế quan sẽ trở thành vấn đề chính tại thị trường EU, các nước sẽ có xu hướng áp dụng hàng loạt các rào cản phi thuế quan mới, khắt khe hơn nữa đối với các sản phẩm của Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng, những cơ hội và thách thức trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU và đề xuất một số kiến nghị nhằm vượt rào cản phi thuế quan trong EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU trong thời gian tới.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

4. TRẦN NGỌC DŨNG

Các cuộc cải cách quân sự ở Phổ thế kỉ XIX

Tóm tắt: Đối mặt với yêu cầu thống nhất quốc gia về cả lãnh thổ, chính trị, kinh tế và xã hội, giới quý tộc Phổ Youngker đã tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng, trong đó thay đổi về quân sự được chú trọng sau những thất bại trong chiến tranh với Napoleon. Phổ thực hiện những đổi mới trong cách thức tuyển chọn binh lính và lãnh đạo, tổ chức bộ máy quân sự cũng như tiến hành trang bị hiện đại cho quân đội trong hai lần cải cách 1807-1820 và trong thập niên 1850. Đặc biệt, sự xuất hiện của hai hệ thống Landwehr và Landsturm đã tạo ra những bước đột phá mới cho quân đội Phổ, biến họ trở thành một trong những thế lực mạnh nhất châu Âu cuối thế kỷ XIX. Phổ sau đó đã đánh bại Đan Mạch (1863), Áo (1867), Pháp (1870-1871) và hoàn thành quá trình thống nhất Đức, và thành lập Đế chế thứ hai.

 

5. BÙI LAN HƯƠNG

Nghệ thuật tranh biện của các nhà triết học Hy – La cổ đại và giá trị tham khảo đối với việc nâng cao năng lực tư duy phản biện cho sinh viên Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Hiện nay, việc nâng cao năng lực tư duy phản biện cho sinh viên Việt Nam là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở nghiên cứu một cách có hệ thống nghệ thuật tranh biện đã được các nhà triết học Hy-La cổ đại sử dụng, tác giả đã chỉ ra những bài học Việt Nam cần tiếp thu khi vận dụng hoạt động này vào nâng cao năng lực tư duy cho sinh viên như sau: 1) Nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia giáo dục và sinh viên về vai trò của tư duy phản biện; 2) Tích cực sử dụng các phương pháp tranh biện; 3) Thực hiện hoạt động tranh biện một cách có văn hóa.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

6. NGUYỄN VIỆT LONG

Tổng công ty Becamex tại Bình Dương: Doanh nghiệp cùng nhà nước phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tóm tắt: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là chìa khóa để có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong kỷ nguyên 4.0, nhưng lại đòi hỏi đầu tư rất lớn về hạ tầng, nhân lực, chính sách. Khi nhiều khu vực chỉ chú trọng vào đầu tư công cho vấn đề này, thì Bình Dương tập trung vào kiến tạo, khuyến khích cả cộng đồng cùng chủ động tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bài viết nghiên cứu trường hợp Tổng Công ty Becamex, dưới sự chỉ đạo của chính quyền Bình Dương đã đóng góp mạnh mẽ vào thành công vượt bậc của tỉnh, đồng thời qua đó cũng tạo được đột phá trong kinh doanh. Bài viết sẽ phân tích: (1) bối cảnh Bình Dương và Becamex năm 2016 với định hướng phát triển đổi mới sáng tạo để bứt phá, và (2) nghiên cứu cách thức Becamex đóng góp xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp Bình Dương, từ đó phát triển kinh tế xã hội. Đây là một trường hợp phối hợp hiệu quả nhà nước - doanh nghiệp được nhiều lãnh đạo quan tâm, có thể tham khảo, lan tỏa tại Việt Nam.

 

7. NGUYỄN VĂN LAN

Quan hệ Việt – Nga: Hai mươi năm nhìn lại

Tóm tắt: Nối tiếp quan hệ Việt - Xô, 70 năm qua cho thấy, bất luận những biến động của tình hình thế giới và lịch sử mỗi nước, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Nga vẫn được duy trì tốt đẹp, có tính kế thừa, ổn định. Bài viết tập trung khái quát quan hệ Việt - Nga trên các lĩnh vực 20 năm qua, chỉ ra những cơ sở khẳng định quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Từ đối tác chiến lược đến đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt - Nga ngày càng phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất hơn, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới ngày nay. Với cơ sở kinh tế, chính trị và truyền thống đã và đang được khẳng định bằng các cơ sở pháp lý mà hai bên đã dày công vun đắp. Đó thực sự là nền tảng để quan hệ Việt - Nga tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, tin cậy, thực chất và toàn diện hơn.

 

THÔNG TIN

8. VŨ THANH HÀ

Hội thảo quốc tế: “Mô hình chuỗi cung ứng ngắn và chính sách cung ứng ngắn ở một số nước Liên minh Châu Âu: Hàm ý chính sách cho Việt Nam”

84 lượt xem