Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 6 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 6 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. NATALIA BORISOVNA KONDRATIEVA & ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HOA & VŨ XUÂN MAI

Điểm mới trong “Chính sách gắn kết” của Liên minh Châu Âu

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích tổng hợp các quy định và văn bản của các tổ chức thuộc Liên minh Châu Âu (EU), bài viết làm rõ thành phần của những thay đổi trong “chính sách gắn kết” trong giai đoạn 2021-2027 so với giai đoạn 2014-2020, đưa ra kết luận rằng, “chính sách gắn kết” tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của EU, bởi vì khối lượng tài trợ cho chính sách này từ ngân sách chung vẫn rất cao. Bài viết đặc biệt chú ý đến quyết định chuyển hướng trong giai đoạn 2021-2027, khi 1/3 phân bổ từ các quỹ của chính sách vùng châu Âu cho các chương trình được chuyển sang dành cho mục tiêu thực hiện nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon.

 

2. VŨ THỤY TRANG

Hội nhập quốc tế như một định hướng then chốt trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thành tựu, thách thức và triển vọng

Tóm tắt: Quan điểm mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập với khu vực và thế giới của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã được thể hiện rõ nét trong các văn kiện ngoại giao của Việt Nam và các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau, từ song phương, tiểu khu vực, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Bài viết đánh giá những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên con đường hội nhập cả trong hợp tác song phương, lẫn trong hợp tác đa phương. Việt Nam đã tranh thủ được môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế xã hội, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định an ninh quốc gia, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn như hội nhập quốc tế có lúc chưa theo kịp diễn biến của tình hình, chưa lường hết những tác động bất lợi, chưa khai thác tốt và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen với các đối tác quan trọng…

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

3. LÊ THU HÀ

Chính sách biển và sự phát triển Ngành nghề biển của Nga

Tóm tắt: Chính sách biển của Nga được Tổng thống Liên bang Nga V. Putin phê chuẩn vào tháng 7/2001 là tài liệu cơ bản xác định chính sách nhà nước của Liên bang Nga trong lĩnh vực hoạt động biển. Trong những năm đầu tiên sau khi phê chuẩn, văn bản này được đánh giá là sẽ cho phép tăng cường hơn nữa về vị thế của Nga với tư cách là cường quốc hàng đầu về biển và tạo điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu của chính sách biển. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không có một Chương trình hành động nào được đưa ra và biển không có trong ưu tiên phát triển trong chương trình nghị sự của Nga. Chính vì vậy, các ngành nghề biển của Nga, bao gồm đóng tàu, dầu khí, khai thác thủy sản, vận tải biển đã không phát triển đúng tiềm năng.

 

4. NGUYỄN VĂN LÂM

Chế định công ty hợp vốn cổ phần ở Châu Âu và một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Tóm tắt: Công ty hợp vốn cổ phần (CTHVCP) là loại hình được pháp luật của nhiều các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Luxembourg… ghi nhận và điều chỉnh. Loại hình công ty này là kết hợp linh hoạt vừa có tính phân chia, vừa có tính liên kết giữa hai loại chế độ chịu trách nhiệm là vô hạn và hữu hạn của các chủ sở hữu, góp phần làm đa dạng các loại hình công ty để các nhà đầu tư lựa chọn. Bài viết phân tích chế định CTHVCP trong pháp luật của một số quốc gia châu Âu, từ đó gợi mở những vấn đề, nhu cầu bổ sung vào quy định luật doanh nghiệp (LDN) hiện hành của Việt Nam.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

5. PHAN THỊ THU HẰNG

Vấn đề chăm sóc người cao tuổi ở Thụy Điển và Trung quốc hiện nay: Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích hai mô hình chăm sóc người cao tuổi ở Thụy Điển và Trung Quốc từ phương diện chính sách đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội… Trên cơ sở đó, tác giả cố gắng làm rõ sự khác biệt giữa hai mô hình này, đưa ra một số đánh giá cơ bản đồng thời đề xuất một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

 

6. NGUYỄN THỊ NGỌC & NGUYỄN THỊ ANH THƯ

Vài nét về phát triển công nghiệp văn hoá và sáng tạo ở Liên minh Châu Âu những năm gần đây

Tóm tắt: Bài viết xem xét một số khía cạnh về phát triển công nghiệp văn hoá và sáng tạo ở Liên minh Châu Âu (EU) những năm gần đây. Từ những dữ liệu được các cơ quan EU công bố và nghiên cứu điển hình, bài viết cho rằng ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo đã có mặt ở EU từ nhiều thập kỷ trước, song gần đây mới được nhắc đến nhiều. Trên thực tế, ngành này đóng góp lớn vào nền kinh tế, tạo việc làm, gìn giữ, phát huy và lan toả vốn văn hoá của người châu Âu. Quá trình phát triển của nó chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, có yếu tố thuận lợi nhưng cũng là bất lợi, chẳng hạn, quá trình số hoá, nhu cầu của khách hàng thay đổi, tác động của dịch COVID-19… EU cũng đã có một số điều chỉnh trong chính sách phát triển ngành công nghiệp này. Do vậy, thời gian tới, hy vọng chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành ở EU, cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

7. ĐINH LÊ HỒNG GIANG

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga

Tóm tắt: Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao theo mô hình đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu các động lực đã thúc đẩy hai nước đi đến quyết định chính trị trên, đồng thời làm rõ quá trình hiện thực hoá các mục tiêu đã cam kết, đánh giá thực trạng hợp tác và triển vọng phát triển của quan hệ Việt - Nga hiện nay. Từ những phân tích khoa học, tác giả kết luận rằng, mặc dù có mối quan hệ chính trị gần gũi, liên kết an ninh-quốc phòng mang tính chiến lược, song quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga chưa tận dụng hết tiềm năng của mình, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Những nỗ lực của các bên trong tiến trình tự do hoá hợp tác Á-Âu sẽ tích cực thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, từ đó nâng cao chất lượng của đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.

 

8. ĐINH MẠNH TUẤN & VŨ BÌNH MINH

Việt Nam và Liên bang Nga tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, bên cạnh việc củng cố và duy trì quan hệ hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực truyền thống, Việt Nam và Liên bang Nga cũng đã tích cực mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực mới như đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hay phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đây có thể xem là những hướng mới đầy triển vọng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên.

 

 

75 lượt xem