- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 7 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU
1. TRẦN BÁCH HIẾU & PHẠM QUANG MINH
Vị thế của Nga ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay
Tóm tắt: Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các siêu cường với vị trí địa - chiến lược quan trọng, sự đa dạng về văn hóa và tiềm năng phát triển lớn. Trong những năm trở lại đây, cấu trúc an ninh khu vực ngày càng trở nên phức tạp với sự trỗi dậy quyết đoán của Trung Quốc, chính sách xoay trục của Mỹ và sự gia tăng xung đột tại một số điểm nóng. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đang phát triển cũng dần khẳng định tiếng nói của mình thông qua các cơ chế hợp tác đa phương, nhất là khi toàn cầu hóa trở thành xu thế chung của toàn nhân loại. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi: vậy “chú gấu” Nga, sau kỳ ngủ đông dài đang trở lại mạnh mẽ trên chính trường quốc tế, có vai trò thế nào tại khu vực đầy biến động này? Phân tích đúng vị thế của Nga tại Châu Á - Thái Bình Dương sẽ góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia trong khu vực.
2. NGUYỄN THỊ HỒNG YẾN
Yếu tố địa chính trị trong dự án đối tác phía Đông (EaP) của Ba Lan và EU
Tóm tắt: Trong tiến trình tiến đến nhất thể hóa khu vực, Liên minh Châu Âu đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách Đối ngoại và An ninh chung (CFSP), Chính sách Láng giềng Châu Âu (ENP) cùng các sáng kiến khu vực. Dự án Đối tác phía Đông (EaP) là một sáng kiến khu vực do Ba Lan đề xuất, năm 2009, nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ láng giềng giữa EU với các nước phía Đông. Bài viết tập trung phân tích đặc điểm địa chính trị khu vực phía Đông, tác động của nó đến định hướng chính sách của Ba Lan và EU, làm sáng tỏ một trong những động lực thúc đẩy Dự án hướng Đông của EU và chủ thể sáng kiến Ba Lan dưới góc nhìn địa chính trị.
KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU
3. TRẦN ĐÌNH HƯNG
Kinh nghiệm phát triển kinh tế số và xã hội số ở Estonia
Tóm tắt: Phát triển kinh tế số và xã hội số là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt của nền kinh tế xã hội. Nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển trên thế giới có thể thấy, Estonia là một quốc gia nổi bật ở châu Âu, được xem là có nhiều thành công trong việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số từ nền móng thấp nhất với một lộ trình rõ ràng cùng các bước đi bài bản, phù hợp với điều kiện tình hình quốc gia. Bài viết sẽ tập trung trình bày về quá trình xây dựng nền kinh tế số và xã hội số ở Estonia sau hơn 30 năm tuyên bố độc lập, từ đó đánh giá kết quả đạt được cũng như rút ra kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai để các quốc gia học tập.
4. VÕ MINH TẬP
Châu Phi và cuộc xung đột Nga-Ukraine
Tóm tắt: Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine và kéo dài cho đến nay chưa kết thúc. Sự kiện này đã phủ một bóng đen dài khắp châu Âu sang Bắc Mỹ và lan rộng ra phần còn lại của thế giới, trong đó có châu Phi. Cả Nga và Ukraine đã, đang là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước châu Phi, đặc biệt là quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh Nga với châu Phi. Do đó, cuộc chiến Nga-Ukraine đã gây nên cú sốc toàn cầu nói chung và dễ nhận thấy rõ ở châu Phi nói riêng. Bài viết này đi sâu phân tích lập trường, quan điểm của các nước châu Phi về cuộc xung đột Nga-Ukraine; các hệ lụy mà châu Phi gặp phải từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và vai trò của cộng đồng quốc tế (cả song phương và đa phương) và ngay chính bản thân châu Phi trong hành động để cứu nguy cho châu Phi, tháo gỡ các điểm nghẽn do cuộc xung đột này gây ra. Các vấn đề đều được phân tích tương đối cụ thể và có tính chất dự báo, giúp nhìn nhận mối tương quan giữa châu Phi và Nga, Mỹ và phương Tây.
LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU
5. ĐÀO THỊ MINH THẢO
Tinh thần nhân văn cách mạng trong tư tưởng của Ph.Ăngghen
Tóm tắt: Bài viết này nhằm góp thêm những khẳng định về tinh thần nhân văn cách mạng trong tư tưởng của Ph. Ăngghen ở hai nội dung: Thứ nhất, tư tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và những cống hiến hết mình của Ph. Ăngghen cho phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động; Thứ hai, tinh thần nhân đạo cao cả, vì con người và giải phóng con người. Những tư tưởng tiến bộ với tính nhân văn sâu sắc của Ph.Ăngghen vẫn mãi là bó đuốc soi đường, cổ vũ cho các quốc gia có mục tiêu xã hội chủ nghĩa phấn đấu xây dựng xã hội mới, trong đó có Việt Nam.
6. NGUYỄN THỊ THU HÀ
Vai trò của CHLB Đức trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine từ năm 2014 tới nay
Tóm tắt: Là một trong những cuộc khủng hoảng gây nhiều tác động đến địa chính trị của EU, cuộc khủng hoảng Ukraine từ năm 2014 đến nay giống như một “phép thử” cho vai trò của Đức trong khối EU. Trên thực tế, Đức đã đóng vai trò đáng kể trong việc góp phần giải quyết khủng hoảng Ukraine nói riêng cũng như điều tiết quan hệ giữa Nga và EU nói chung. Trên cơ sở phân tích về những chính sách và hành động can thiệp của CHLB Đức tới việc giải quyết khủng hoảng Ukraine từ 2014 tới nay, bài viết nhằm góp phần làm rõ về vai trò cũng như những kết quả Đức đã đạt được trong vấn đề Ukraine và xử lý quan hệ giữa các nước lớn tham gia vào quá trình tìm kiếm hòa bình trong khu vực.
7. VŨ THANH HÀ
Công ước Di sản thế giới 1972: Lịch sử và thực tiễn bảo tồn di sản thế giới ở một số nước châu Âu
Tóm tắt: Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (Công ước 1972) là công ước quốc tế có ảnh hưởng sâu rộng nhất, được các quốc gia thành viên nghiên cứu áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới. Di sản thế giới ở một số các quốc gia châu Âu hiện nay đang chịu những tác động bởi biến đổi của khí hậu, thiên tai, sự phát triển không bền vững, v.v. Điều đó đã và đang đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu nhằm nỗ lực tìm kiếm phương thức bảo tồn tốt hơn nữa để giữ gìn các di sản cho thế hệ tương lai.
QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU
8. ĐINH MẠNH TUẤN
Giải pháp ngăn chặn tin tức giả liên quan tới COVID-19 của Italia và khuyến nghị đối với Việt Nam
Tóm tắt: Italia là quốc gia trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 mạnh kể từ đầu năm 2020, cùng với đó, nước này cũng phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ tin tức giả được công bố trực tuyến có nội dung liên quan tới COVID-19 gia tăng mạnh mẽ. Từ việc nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn tin tức giả liên quan tới COVID-19 của Italia, bài viết đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam.
9. NGUYỄN THỊ THU HÀ & NGUYỄN THỊ NGỌC
Phát triển điện gió ven bờ, ngoài khơi ở Liên minh Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam
Tóm tắt: Bài viết khái quát về thực trạng phát triển điện gió và quá trình thúc đẩy để điện gió ngày một đóng vai trò quan trọng hơn đối với nền kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU). Bằng việc tìm hiểu, phân tích các dữ liệu liên quan đến phát triển điện gió ở khu vực EU, bài viết cho rằng việc sử dụng nguồn năng lượng này đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, hàng năm bổ sung đáng kể cho nguồn cung năng lượng của các quốc gia EU. Để có được thành công đó, EU thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như: xây dựng hệ thống truyền tải điện, hoà lưới điện thông minh; hỗ trợ tài chính; nghiên cứu phát triển công nghệ điện gió; huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và nhà nước và đây có thể xem là những kinh nghiệm cho Việt Nam tham khảo.