Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. NGUYỄN XUÂN CƯỜNG

Tiến trình 100 năm Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác

Tóm tắt: Quá trình lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đấu tranh cách mạng, tìm tòi con đường và phương thức phát triển trong 100 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc gắn liền với quá trình sử dụng các nguyên lý của chủ nghĩa Mác giải quyết các vấn đề của Trung Quốc, phản ánh quá trình xây dựng và phát triển đất nước Trung Quốc. Đây cũng là quá trình không ngừng tổng kết thực tiễn, sáng tạo lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là quá trình không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc để lại nhiều bài học, phác họa triển vọng, đồng thời cũng đặt ra các vấn đề đối với các chính đảng trên thế giới.

 

2. ĐỖ THỊ THUỶ

Bàn về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với sức mạnh mềm

Tóm tắt: Sức mạnh mềm là một thuật ngữ được học giả người Mỹ Joseph Nye đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990 để mô tả một dạng thức sức mạnh mới trong giai đoạn hậu chiến tranh Lạnh dựa trên sức thu hút về văn hóa, giá trị, thể chế và chính sách của một nước. Ban đầu giới chính sách và học thuật Trung Quốc hoài nghi về thuyết sức mạnh mềm do Mỹ và phương Tây cổ xúy, tuy nhiên theo thời gian họ ngày càng quan tâm đến khía cạnh này khi Trung Quốc theo đuổi vị thế cường quốc toàn cầu. Các học giả Trung Quốc đã kế thừa lý luận của Nye đồng thời kết hợp với tư tưởng truyền thống và thực tiễn chính sách hiện tại của Trung Quốc để phát triển cách tiếp cận “sử dụng sức mạnh mềm dẻo”. Bài viết này phân tích những nét đặc thù trong cách tiếp cận của Trung Quốc về sức mạnh mềm, từ đó đánh giá vai trò của nó trong quá trình xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc trong thế kỷ XXI.

 

QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI

3. TRẦN THỌ QUANG, TRẦN THỊ THANH TÂM

Vấn đề Hồng Kông hiện nay và tác động

Tóm tắt: Ngày 30/6/2020, Luật An ninh quốc gia cho Hồng Kông (gọi tắt là Luật An ninh), sau khi được Ủy ban thưởng vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân đại - Quốc hội Trung Quốc) biểu quyết thông qua, đã chính thức được đưa vào bổ sung cho Luật Cơ bản của Hồng Kông. Khi Trung Quốc ban hành văn bản luật này đã vấp phải sự công kích mạnh mẽ của các lực lượng thực hành dân chủ ở Hồng Kông. Phương Tây đã lên án mạnh mẽ và cho rằng Luật này làm lung lay nguyên tắc “một nước, hai chế độ”, “người Hồng Kông quản lý Hồng Kông” và tính độc lập tư pháp của Hồng Kông. Kể từ đó đến nay, tình hình Hồng Kông liên tục gia tăng phức tạp, tạo ra những ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị, an ninh của không chỉ Hồng Kông mà cả khu vực Đông Á.

 

4. ÔN NGUYỄN VIỆT DŨNG

Nhìn lại quan hệ chính trị hai bờ eo biển Đài Loan trong năm 2020 - 2021

Tóm tắt: Trong hai năm 2020 - 2021, quan hệ hai bờ eo biển trong tình trạng rất căng thẳng. Với Đài Loan, trong hai năm qua bà Thái Anh Văn đưa ra các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm khắc phục những hệ lụy của đại dịch Covid-19 (năm 2020) và thay đổi các chính sách đối ngoại trong quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden cùng chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, quan hệ chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong hai năm 2020-2021 có nhiều yếu tố, nhân tố bất ổn mới, với các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng. Các nhân tố này đã đẩy mối quan hệ chính trị hai bờ rơi vào trạng thái căng thẳng, đối đầu; khiến lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự ngày càng tăng.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ

5. LƯU VĨ AN

Bệnh đậu mùa ở Trung Quốc thời Thanh và việc giới thiệu vắc - xin đậu mùa vào Trung Quốc đầu thế kỷ XIX

Tóm tắt: Bệnh đậu mùa là một trong những dịch bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Ở Trung Quốc thời Thanh, đậu mùa là căn bệnh gây ra nỗi sợ hãi đối với người Mãn và tác động đến nhiều mặt của đời sống chính trị-xã hội. Vào năm 1796, bác sĩ người Anh Edward Jenner đã khám phá ra vắc-xin đậu mùa và áp dụng kỹ thuật chủng ngừa mới để ngăn chặn đậu mùa. Ngay sau đó, một chiến dịch y tế được biết tới là hai trình Balmis nhằm giới thiệu vắc-xin và kỹ thuật tiêm chủng đậu mùa trên phạm vi thế giới đã được đội ngũ của bác sĩ Balmis thực hiện. Vắc-xin đậu mùa cũng được du nhập vào Ma Cao và Quảng Châu năm 1805. Bài viết này tìm hiểu về tinh hình và tác động của bệnh đậu mùa đối với xã hội Trung Quốc thời Thanh, đồng thời, đề cập đến các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này ở Trung Quốc thời cổ. Sau đó, bài viết trình bày quá trình vắc-xin được du nhập và phố biến ở Trung Quốc đầu thế kỷ XIX.

 

DÀNH CHO NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ

6. NGUYỄN MINH HỒNG

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á từ năm 2017 đến nay

Tóm tắt: Trong cục diện chính trị châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc là một chủ thể đóng vai trò quan trọng. Sau hơn 40 năm cải cách, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Điều này tất yếu dẫn tới những thay đổi trong tư duy và chính sách đối ngoại của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhất là khi sự phát triển kinh tế đã thúc đẩy gia tăng sức mạnh quốc gia. Tùy từng giai đoạn, tùy vào những biến động của tình hình quốc tế, khu vực cũng như tình hình trong nước mà chính sách đối ngoại của Trung Quốc có những điều chỉnh nhất định. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng lần thứ XIX, Trung Quốc có sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại đối với các nước láng giềng, điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, mục đích của bài viết này là trình bày những cơ sở hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc, từ đó làm rõ chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, trên cơ sở đó đưa ra những ứng đối của các nước Đông Nam Á.

 

41 lượt xem