Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 4 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 4 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. HOÀNG HUỆ ANH

Những điều chỉnh về quan điểm an ninh quốc gia của Trung Quốc thời kỳ Tập Cận Bình

Tóm tắt: Trên cơ sở quan niệm an ninh quốc gia của bốn thế hệ lãnh đạo trước, bao gồm “An ninh truyền thống” thời Mao Trạch Đông, “An ninh tổng hợp” thời Đặng Tiểu Bình, “An ninh mới” thời Giang Trạch Dân và “An ninh hài hòa” thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm “An ninh quốc gia tổng thể”, “Cộng đồng chung vận mệnh” và “Tầm nhìn an ninh châu Á” với nội hàm phong phú, thể hiện tính toàn diện, tính thời đại, nhằm thích ứng với môi trường an ninh nhiều thách thức hơn trước và định vị lại bản thân sau cuộc trỗi dậy ngoạn mục về kinh tế, với mục tiêu cuối cùng là phục hưng dân tộc Trung Hoa.

 

2. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG - NGUYỄN THỊ THU HẰNG

Những thay đổi trong chính sách thu hút, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc từ Đại hội XII đến Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (1982 - 2017)

Tóm tắt: Sau khi tiến hành cải cách mở cửa (1978), Trung Quốc không ngừng hoàn chỉnh thể chế, chính sách để thu hút, quản lý tốt nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong lĩnh vực này. Bài viết tập trung làm rõ quá trình thay đổi chính sách thu hút, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong giai đoạn từ Đại hội XII đến Đại hội XIX (1982 - 2017), với những điểm nổi bật liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và môi trường đầu tư, mở rộng lĩnh vực/ngành nghề kinh doanh và thực thi các chính sách ưu đãi về thuế.

 

3. PHẠM THỊ THANH BÌNH

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc: Thực trạng và chính sách

Tóm tắt: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc nhằm mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế từ sản xuất sang phát triển công nghệ cao. Trung Quốc đã chuyển đổi thành công nền kinh tế từ sản xuất sang nuôi dưỡng môi trường đổi mới công nghệ cao. Bài viết phân tích thực trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Trung Quốc thông qua 3 giai đoạn phát triển với 3 trụ cột trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang bùng nổ. Bài viết tập trung luận giải những chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc. Từ đó đưa ra nhận xét, đánh giá những thuận lợi cũng như những khó khăn trong việc thực hiện chính sách của Chính phủ.

 

QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI

4. NGUYỄN THÀNH TRUNG - NGUYỄN NGỌC VĨNH PHÚC

Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc

Tóm tắt: Con đường tơ lụa trên biển (MSR) là một hợp phần quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI); lần đầu tiên được ông Tập Cận Bình nêu ra vào năm 2013 tại Jakatar - Indonesia; con đường tơ lụa trên biển được kỳ vọng sẽ tạo nên một tuyến đường giao thương sầm uất từ Á sang Âu. Tuy nhiên, sau 8 năm hình thành và phát triển thì những kỳ vọng về một tuyến đường bao gồm các hải cảng sầm uất đã không như người ta mong đợi. Liệu con đường tơ lụa trên biển có thật sự mang đến một ý nghĩa kinh tế nhằm giúp cho các quốc gia phát triển hay ẩn sâu bên trong là nỗi lo lắng về những vấn đề an ninh hàng hải cho các quốc gia nơi MSR đi qua? Thông qua nghiên cứu các dự án MSR của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bài nghiên cứu tìm hiểu về hàm ý an ninh hàng hải của con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự thay đổi cấu trúc quyền lực ở khu vực này trong bối cảnh cạnh tranh Trung Quốc-Hoa Kỳ.

 

LỊCH SỬ - VĂN HÓA

5. HOÀNG MINH LỢI

Quan hệ Nhật - Trung qua các Hiệp ước ký kết giai đoạn 1972 - 1978

Tóm tắt: Giai đoạn năm 1972-1978 đánh dấu bước chuyển biến lớn trong quan hệ Nhật - Trung khi hai nước tiến hành ký kết nhiều hiệp ước quan trọng liên quan tới chính trị, kinh tế, xã hội, thương mại, hàng không... Việc ký kết các Hiệp ước Bình thường hóa quan hệ, Hiệp ước Hòa bình hữu nghị cũng như các Hiệp định Hàng không, vận tải, ngư nghiệp... đã chấm dứt tình trạng đoạn tuyệt quan hệ giữa hai nước từ năm 1945, đồng thời tạo nền tảng cơ bản, mở ra thời kỳ mới về quan hệ Nhật - Trung trong các giai đoạn tiếp theo.

 

6. TRẦN THỊ THUỶ - LƯU THU HƯƠNG

Điện ảnh Trung Quốc và những phương thức chiếm lĩnh thị trường điện ảnh toàn cầu

Tóm tắt: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hoá trong nước, điện ảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình hướng đến thị trường quốc tế. Nhiều phương thức quốc tế hoá nền điện ảnh Trung Quốc đã được các nhà làm phim nước này áp dụng như khai thác các yếu tố văn hoá truyền thống, tạo dựng biểu tượng văn hoá và chuyển đổi mô hình sản xuất thông qua hợp tác với các nhà sản xuất và làm phim nước ngoài. Bài viết này tập trung phân tích những nỗ lực để tham gia sâu hơn vào thị trường điện ảnh toàn cầu của Trung Quốc, qua đó đưa ra một số gợi mở đối với Việt Nam.

 

7. ĐÀO VĂN LƯU - ĐÀO THỊ OANH

Vài nét về sự phát triển của văn học mạng Trung Quốc hiện nay

Tóm tắt: Văn học mạng Trung Quốc đã trở thành một hiện tượng văn hóa không thể xem nhẹ, có vai trò quan trọng trong việc thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng tăng của quần chúng nhân dân. Trải qua hơn hai mươi năm phát triển, đến nay, văn học mạng Trung Quốc đã không ngừng chuyển biến, hướng đến hoàn thiện, nâng cao chất lượng, có xu thế phát triển hướng đến chủ lưu một cách rõ ràng, nhưng đồng thời cũng đã bộc lộ không ít vấn đề thách thức.

 

DÀNH CHO NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ

8. PHÙNG THỊ YẾN

Chính sách của Trung Quốc đối với nhà máy điện mặt trời và một số đề xuất cho Việt Nam

Tóm tắt: Phát triển các nhà máy điện mặt trời nằm trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, bởi những lợi ích mà điện mặt trời mang lại như cung cấp nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia và đặc biệt là bảo vệ môi trường. Hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia có khả năng sản xuất điện mặt trời đồng thời cũng là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới nhờ những chính sách hợp lý, kịp thời của Chính phủ. Bài viết phân tích những khái niệm, đặc điểm của các nhà máy điện mặt trời đồng thời chỉ ra thực trạng chính sách pháp luật của Việt Nam đối với nhà máy điện mặt trời trong cả xây dựng và quản lý; kinh nghiệm của Trung Quốc về một số chính sách phát triển nhà máy điện mặt trời, từ đó đưa ra một số kiến nghị về giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật của Việt Nam đối với các nhà máy điện mặt trời.

 

 

 

60 lượt xem