- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 8 năm 2021
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI
1. HOÀNG HUỆ ANH
Chương trình cải cách quân đội Trung Quốc sau Đại hội XVIII
Tóm tắt: Bài viết điểm lại những nội dung quan trọng trong chương trình cải cách của PLA từ sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc đến nay, bao gồm những biện pháp cải cách về thể chế và công nghệ như: tái cơ cấu đội ngũ và chức năng lãnh đạo ở tầng đinh, sắp xếp, điều chỉnh lại các lực lượng tác chiến và thay đổi chế độ huấn luyện theo hướng thực chiến kết hợp với công nghệ cao. Mục tiêu là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động của quân đội, nâng cao năng lực tác chiến và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh thông tin cục bộ, nâng cao năng lực chống xâm nhập, nhằm thích ứng với những thách thức mới về an ninh quốc gia, đưa PLA trở thành lực lượng quân đội hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ, nằm trong quỹ đạo tổng thể của cuộc hành trình hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa.
2. NGUYỄN THỊ HẠ
Cải cách thể chế thị trường chứng khoán ở Trung Quốc trong bối cảnh mới
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, đối mặt với mối đe dọa kép về suy thoái kinh tế và leo thang căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy các cải cách trên thị trường vốn nhằm thúc đẩy đầu tư. Năm 2020, mặc dù sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc vẫn hoạt động mạnh mẽ với hàng loạt thương vụ IPO lớn và đà tăng chóng vánh của các cổ phiếu tiêu dùng, công nghệ. Khả năng chống chịu của TTCK của Trung Quốc ngày càng được cải thiện, nhờ những cải cách trên lĩnh vực tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tổng hợp và phân tích những cải cách thể chế mang tính vĩ mô trên TTCK Trung Quốc trong bối cảnh mới hiện nay (từ sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc năm 2012); đánh giá một số kết quả bước đầu của việc thay đổi chính sách và cải cách thể chế trong thời gian gần đây đến sự phát triển của TTCK nước này, một số vấn đề đặt ra và triển vọng cải cách TTCK nước này trong thời gian tới.
QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI
3. NGÔ THỊ MỸ UYÊN, NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
Các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc
Tóm tắt: Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu nông sản với quy mô lớn. Trong giai đoạn 2009-2020, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,03%/năm. Nhu cầu hàng nông sản của thị trường Trung Quốc rất lớn và đến nay nông sản Việt Nam vẫn đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng từ các nhân tố khác như dịch bệnh, tình hình chính trị an ninh giữa hai nước cùng với khó khăn về khả năng cạnh tranh trước các đối thủ mạnh. Bài viết nêu lên một số kiến nghị nhằm phát huy lợi thế và khắc phục khó khăn nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trưởng Trung Quốc ổn định và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
LỊCH SỬ - VĂN HOÁ
4. LƯU THU HƯƠNG
Sự dịch chuyển giá trị trong điện ảnh Trung Quốc trong bối cảnh vươn ra thị trường toàn cầu
Tóm tắt: Trong những năm qua, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của chính phủ Trung Quốc đã đem lại sự cải cách rõ rệt cho ngành công nghiệp điện ảnh của quốc gia này, kích thích thị trường và thúc đẩy sản xuất phim trong nước. Để có thể đạt được những mục tiêu trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc bắt buộc phải có những thay đổi, từ quan niệm và cách thức làm phim, cách tiếp cận thị trường, đến việc chuyển đổi mô hình sản xuất... Những thay đổi này đã kéo theo sự chuyển dịch giá trị trong điện ảnh Trung Quốc. Thông qua một số bộ phim tiêu biểu, bài viết phân tích việc lựa chọn giá trị trong điện ảnh Trung Quốc trong nỗ lực vươn ra thị trường toàn cầu.
5. ĐÀO VĂN LƯU
Vài nét về hình tượng quan chức trong tiểu thuyết của Cương Dược Văn
Tóm tắt: Từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX trở đi, sự phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết quan trường đã trở thành một hiện tượng đáng chú ý trên văn đàn đương đại Trung Quốc. Thời kỳ này xuất hiện hàng loạt nhà văn viết về quan trường. Vương Dược Văn là một trong những tác giả có ảnh hưởng lớn nhất. Sáng tác của ông đã có tiếng vang lớn, được đông đảo độc giả đón nhận và các nhà phê bình đánh giá là nhà văn viết tiểu thuyết quan trường có sức sáng tạo. Tác phẩm của Vương Dương Văn đã vượt qua và từ bỏ một số tiêu chuẩn quan niệm văn học và giá trị hiện thực truyền thống. Nó thể hiện góc nhìn và biểu đạt cuộc sống sâu sắc hơn, độc đáo hơn, chân thực hơn, cung cấp cho người đọc tưởng tượng văn học và hình tượng nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ. Đồng thời cũng làm thay đổi mô thức cũ kỹ về xây dựng hình tượng quan chức trong sáng tác tiểu thuyết chủ nghĩa hiện thực truyền thống.
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
6. VŨ THỊ VÂN DUNG, BÙI THỊ THU HIỀN
Vấn đề Biển Đông và chính sách ngoại giao xung quanh của Trung Quốc sau Đại hội XVIII
Tóm tắt: Ngoại giao xung quanh là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc do nước này có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển với nhiều quốc gia. Chính sách ngoại giao xung quanh của Trung Quốc có sự điều chỉnh quan trọng, đặc biệt sau khi thế hệ lãnh đạo thứ 5 với hạt nhân lãnh đạo là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012. Trong bối cảnh tình hình khu vực nổi lên các vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên biển, cạnh tranh nước lớn ở khu vực châu Á Thái Bình Dương ngày càng trở nên gay gắt. chính sách ngoại giao xung quanh của Trung Quốc đã có những thay đổi, thích ứng như thế nào là vấn đề thu hút sự quan tâm của các quốc gia láng giềng. Bên cạnh việc làm rõ bối cảnh ra đời, nội hàm của chính sách ngoại giao xung quanh từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, bài viết đi sâu phân tích vấn đề Biển Đông trong chính sách của nước này. Trên cơ sở các nội dung đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam - một quốc gia có lợi ích an ninh, kinh tế gắn bó chặt chẽ với Biển Đông.