Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 8 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 8 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. NGUYỄN THÀNH TRUNG - PHẠM THỊ HỒNG NHUNG

Chính sách thúc đẩy Thịnh vượng chung của Trung Quốc dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình: Những thuận lợi và khó khăn

Tóm tắt: Thịnh vượng chung là một chương trình nghị sự được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra nhằm giảm bất bình đẳng thu nhập và phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm dân cư cũng như giữa khu vực thành thị và nông thôn tại Trung Quốc. Thông qua việc tái phân phối của cải và cải thiện các chính sách phúc lợi, Thịnh vượng chung được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và qua đó giải quyết các vấn đề xã hội khởi nguồn từ chênh lệch phát triển giữa kinh tế và xã hội của Trung Quốc trong những thập niên gần đây.

 

2. CHU PHƯƠNG QUỲNH

Tham vọng hình thành trật tự kỹ thuật số toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm: Trường hợp con đường tơ lụa kỹ thuật số

Tóm tắt: Trung Quốc đang nỗ lực để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về các công nghệ thế hệ mới như AI, 5G như một cách để tạo động lực mới cho phát triển nền kinh tế, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh quốc gia. Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) được đề xuất vào năm 2015 như thành phần cốt lõi để hình thành nền tảng kỹ thuật số xuyên quốc gia lấy Trung Quốc làm trung tâm, một đòn bẩy quan trọng để đưa các doanh nghiệp Trung Quốc ra toàn cầu và mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cả kinh tế và chính trị. Bài viết này nhằm giới thiệu nền tảng kỹ thuật số của Trung Quốc, tham vọng của Con đường tơ lụa kỹ thuật số và các chính sách chủ đạo để hiện thực hóa tham vọng đó.

 

QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI

3. ĐÀM HUY HOÀNG - TRƯƠNG QUANG HOÀN

Tiến triển trong quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc từ năm 2004 đến năm 2021

Tóm tắt: ASEAN - Trung Quốc thiết lập quan hệ đối thoại vào năm 1991, dù trải qua những thăng trầm, mối quan hệ này đã phát triển rất nhanh. Tháng 10/2003, ASEAN và Trung Quốc đã quyết định nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược, một cấp độ cao trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều thỏa thuận, sáng kiến hợp tác kinh tế, đặc biệt là Hiệp định về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết và thực hiện. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên trong nhiều năm qua. Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009, trong khi ASEAN cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc từ năm 2020. Bên cạnh thành tựu đạt được, quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc vẫn tồn tại những hạn chế và đang phải đối diện với không ít thách thức, đặc biệt là các tác động không thuận lợi từ sự phụ thuộc kinh tế lớn của ASEAN vào Trung Quốc. Bài viết tập trung phân tích và đánh giá những tiến triển trong quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc từ sau khi hai bên nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược đến nay.

 

4. KIỀU THANH NGA

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi- Nhìn từ chương trình vaccine Covid-19

Tóm tắt: Kể từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã từng bước xây dựng mối quan tâm lợi ích ở châu Phi thành chiến lược toàn diện gồm cả chính trị - an ninh, kinh tế và thúc đẩy ảnh hưởng văn hóa, trong đó coi lợi ích kinh tế là nền tảng. Trung Quốc là nước tiên phong thâm nhập thị trường châu Phi bị bỏ quên sau chiến tranh lạnh với công cụ ngoại giao là Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần đầu tiên vào năm 2000, mở đường cho thương mại và đầu tư, tiếp đó là văn hóa và quân sự. Đại dịch Covid-19 đã mở thêm con đường mới cho Trung Quốc vào châu Phi, đó là vaccine Covid 19. Việc cắt giảm cam kết tài chính và tăng gấp đôi vaccine cho thấy, dường như Trung Quốc đang điều chỉnh cách tiếp cận với châu Phi. Mặc dù số lượng vaccine mà châu Phi nhận được từ Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với các khu vực khác, song Trung Quốc vẫn là quốc gia cung cấp vaccine nhiều nhất cho châu Phi, là cơ hội mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu lục này.

 

LỊCH SỬ - VĂN HÓA

5. NGUYỄN HUY QUÝ

Ngược dòng lịch sử - Vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ (1949 -1989)

Tóm tắt: Đài Loan đang là điểm nóng căng thẳng nhất trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay, tác động nghiêm trọng tới hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ Trung - Mỹ về vấn đề Đài Loan rất phức tạp từ năm 1949 tới nay, trải qua hai thời kỳ trong và sau chiến tranh lạnh. Có thấy chiều sâu lịch sử thì mới hiểu được vấn đề hiện nay. Bài viết đi sâu phân tích nội dung chủ yếu của vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ từ 1949 – 1989 qua hai giai đoạn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh: 20 năm đối địch (1949-1971) và bình thường hóa quan hệ, hợp tác và mâu thuẫn (1982 - 1989).

 

6. HOÀNG VĂN TUẤN

Hoạt động phòng chống cướp biển của dòng họ Mạc ở Hà Tiên trong thế kỷ XVIII

Tóm tắt: Trong thế kỷ XVIII, cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại ở khu vực, cướp biển hoạt động mạnh mẽ và trở thành mối đe doạ lớn đối với an ninh và đời sống kinh tế biển của trấn Hà Tiên. Họ Mạc đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống, đặc biệt là trong hoạt động tuần tra và ngăn chặn cướp biển. Kết quả là, đã kiểm soát, ngăn chặn được sự hoành hành, phát sinh, phát triển của cướp biển. Bài viết đề cập đến thực trạng cướp biển ở Hà Tiên trong thế kỷ XVIII và hoạt động phòng chống của họ Mạc. Từ đó, rút ra một số nhận xét, đánh giá vai trò của họ Mạc trong công cuộc gìn giữ chủ quyền, an ninh vùng biển đảo Hà Tiên.

 

DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI

7. NGUYỄN ANH CƯỜNG - PHẠM MINH TIẾN

Về sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc tại Biển Đông theo cách lý giải của một số lý thuyết chính trị

Tóm tắt: Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII (2012) đã đưa ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, từ đây Tập Cận Bình đã chính thức thể hiện rõ tham vọng của mình với thế giới. Đây là thời kỳ mới của chính trị Trung Quốc - chuyển từ chiến lược “giấu mình chờ thời” sang “Giấc mơ Trung Quốc”. Từ đây, các xung đột, tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng ngày càng tăng lên, đặc biệt là trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của nước này bên cạnh Đài Loan và Tây Tạng. Bằng các lý thuyết chính trị hiện đại như Chủ nghĩa Hiện thực mới, Sức mạnh biển của Mahan, Miền đất trung tâm của Mackinder, bài viết sẽ có những kiến giải về lợi ích chiến lược mà Trung Quốc đang cố gắng giành được để gia tăng quyền lực quốc gia. Qua đó, bài viết sẽ giải thích, làm rõ mục đích trong việc gia tăng quyền lực quốc gia của một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

 

 

 

60 lượt xem