Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 9 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 9 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. TRẦN THU MINH

Những đổi mới trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Nhìn từ vai trò “hạt nhân lãnh đạo” của Tập Cận Bình

Tóm tắt: Từ sau Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2016), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã được xác định là “hạt nhân lãnh đạo”, là “hạt nhân của Trung ương Đảng, hạt nhân của toàn Đảng". Bài viết khái quát quá trình xác lập vai trò “hạt nhân lãnh đạo” của Tập Cận Bình, phân tích các biện pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm củng cố vai trò hạt nhân, đồng thời nhận diện một số đổi mới trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ góc độ này.

 

2. NGUYỄN THANH GIANG

Một số điều chỉnh trong chế độ trưng dụng ruộng đất ở nông thôn Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay

Tóm tắt: Trong thời kỳ cải cách mở cửa hơn 40 năm qua, Trung Quốc đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp. Cùng với quá trình mở rộng các thành phố, ngày càng có nhiều nông dân bị nhà nước và chính quyền trưng dụng ruộng đất để phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị hóa. Tình trạng mở rộng tràn lan đất xây dựng, chiếm dụng đất canh tác quá mức cùng với những tranh chấp khiếu kiện về đất đai liên tiếp diễn ra... đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, cũng như sự ổn định xã hội. Chính vì thế, từ khi bước sang thế kỷ mới đến nay, lãnh đạo Trung Quốc đã xác định đi sâu cải cách chế độ quản lý đất đai ở nông thôn, trong đó cải cách chế độ trưng dụng ruộng đất được coi là một biện pháp cơ bản để giải quyết các vấn đề và mâu thuẫn nêu trên. Bài viết phân tích một số điều chỉnh quan trọng trong chế độ trưng dụng ruộng đất ở nông thôn Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay.

 

QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI

3. NGUYỄN THÀNH TRUNG, PHAN THỊ NHUNG

Sức mạnh mềm của Trung Quốc nhìn từ ngoại giao Vắc - xin

Tóm tắt: Trong năm qua, Trung Quốc đã thực hiện chính sách viện trợ vắc-xin cho nhiều quốc gia trên thế giới mà nhiều phân tích gọi là chính sách “ngoại giao vắc-xin”. Thông qua các số liệu thu thập được về số lượng vắc-xin Trung Quốc đã viện trợ cho các quốc gia khác, bài viết đi sâu phân tích Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm cũng như hình ảnh quốc gia như thế nào. Đồng thời, bài viết cũng đánh giá hiệu quả của chính sách “ngoại giao vắc-xin” bằng cách chỉ ra những kết quả mà Trung Quốc đã đạt được trong việc tương tác và thu hút các nước khác nhằm xây dựng hình ảnh quốc gia đáng tin cậy của mình.

 

4. NGUYỄN VĂN LỊCH, NGUYỄN MINH TRANG

Căng thẳng thương mại Australia - Trung Quốc

Tóm tắt: Australia và Trung Quốc có quan hệ với nhau từ khá lâu, trong đó, quan hệ về kinh tế là khá tốt. Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay, quan hệ thương mại giữa hai nước đã trở nên rất căng thẳng. Nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng này là từ những vấn đề chính trị. Australia muốn thoát ra khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc, muốn cùng các nước khác ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng Australia đã phản bội lại những lợi ích mà Trung Quốc đem đến cho nước này; Australia đã can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đã tìm cách gây khó khăn cho Trung Quốc... Căng thẳng trên đây đã tác động rất tiêu cực đến kinh tế mỗi bên. Tuy nhiên, hai nước này có nhiều lợi ích ràng buộc với nhau, cho nên dự đoán rằng họ sẽ tìm cách giảm căng thẳng, đưa quan hệ trở lại trạng thái bình thường.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ

5. NGUYỄN VĂN TUẤN

Hợp tác trên lĩnh vực quân sự giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản ở Trung Quốc (1924 - 1927)

Tóm tắt: Những năm 1924 - 1927, ở Trung Quốc diễn ra sự hợp tác giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản (lịch sử Trung Quốc gọi là hợp tác Quốc - Cộng lần thứ nhất). Sự hợp tác này trước hết do yêu cầu chống lại các thế lực phong kiến quân phiệt được các nước đế quốc hậu thuẫn, đề bảo vệ độc lập và thống nhất Trung Quốc. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu một số biểu hiện hợp tác giữa hai đảng trên lĩnh vực quân sự, từ đó đánh giá những tác động của nó đối với Trung Quốc.

 

DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI

6. TRẦN THỊ HOA CHỬ ĐÌNH PHÚC

Những điểm tương đồng và khác biệt giữa hiến pháp Trung Quốc 1954 và hiến pháp Việt Nam 1959

Tóm tắt: Hiến pháp 1954 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hiến pháp 1959 là bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa và cũng là bản Hiến pháp đầu tiên có hiệu lực trên thực tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do nhiều nguyên nhân khiến hai bản Hiến pháp này có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt. Bài viết thông qua so sánh bối cảnh ban hành, hình thức cấu trúc và nội dung của Hiến pháp Trung Quốc 1954 và Hiến pháp Việt Nam 1959 để làm sáng tỏ luận điểm này.

 

THƯỜNG THỨC TRUNG QUỐC HỌC

7. NGUYỄN VĂN NGUYÊN

Sơn Hải Kinh - Bộ từ điển Phương Chí thời cổ đại Trung Quốc

31 lượt xem