- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 7 năm 2021
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU
1. NGUYỄN HỒNG QUÂN
Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan: Thách thức và cơ hội đối với Liên Bang Nga
Tóm tắt: Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tuyên bố rút lực lượng ra khỏi Afghanistan bắt đầu từ ngày 1/5/2021 sau hơn 20 năm hiện diện tại quốc gia này. Gần như ngay tại thời điểm đó, một làn sóng bạo lực mới đã diễn ra. Tình hình an ninh tại Afghanistan trở nên rối ren. Sau khi Mỹ và NATO rút quân, Nga phải đối mặt với những thách thức về bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội do các phần tử Hồi giáo cực đoan xâm nhập, do dòng người tỵ nạn tràn vào, do tệ nạn buôn bán ma túy mạnh lên tại Trung Á và từ đó tác động tới Nga và gia tăng cạnh tranh vai trò giữa các nước lớn tại khu vực. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Nga giảm nhẹ quan ngại về hiện diện quân sự của Mỹ và NATO khu vực sát biên giới phía nam, cũng như tạo ra một số cơ hội mới để Nga nâng cao vị thế đối ngoại, mở mang quan hệ kinh tế, thương mại, mở rộng địa bàn cho “ngoại giao vaccine”.
2. NGUYỄN THỊ HẠNH
Ngoại giao kinh tế của Liên Minh Châu Âu với Việt Nam từ năm 2010 đến nay
Tóm tắt: Từ trước đến nay, Liên minh Châu Âu (EU) được đánh giá là một trong các chủ thể triển khai hiệu quả ngoại giao kinh tế (NGKT) với các đối tác nhằm phục vụ cho sự thịnh vượng về kinh tế và sự ổn định về chính trị của Liên minh. Trong đó, Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng mà EU đã tiến hành NGKT, cả hai bên đã thu được những thành quả đáng kể, qua đó góp phần làm sâu sắc mối quan hệ, tạo ra lợi ích đan xen và cân bằng cho cả hai bên. Bài viết sẽ làm rõ về các chính sách NGKT của EU với Việt Nam từ 2010 đến nay, qua đó mang lại một góc nhìn toàn diện về bản chất NGKT của EU. Trên cơ sở này, bài viết đưa ra các nhận về kết quả triển khai và tác động NGKT của EU đối với quan hệ Việt Nam - EU.
KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU
3. VŨ THỤY TRANG, NGUYỄN NGỌC HẢI ANH
Đối thoại năng lượng Nga - EU: Hiệu quả và những vấn đề đặt ra
Tóm tắt: Đối thoại năng lượng Nga - EU là một trong những nội dung chính, góp phần vào sự năng động và thành công của quan hệ đối tác Nga - EU. Trên cơ sở nhận diện sự cần thiết của đối thoại năng lượng giữa Nga và EU như một cơ chế bền vững nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn bộ khu vực châu Âu, góp phần thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các bên trong lĩnh vực năng lượng, bài viết hướng tới việc làm sáng tỏ tính hiệu quả của đối thoại năng lượng Nga - EU đạt được trong thời gian qua, đồng thời phân tích những vấn đề đặt ra của đối thoại này cần phải giải quyết trong giai đoạn hiện nay để hợp tác giữa hai bên nói chung cũng như trong lĩnh vực năng lượng nói riêng đạt được các lợi ích mà hai bên mong muốn.
4. NGUYỄN THỊ THƠM, TRỊNH THỊ PHƯỢNG
Xu hướng sụt giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số tại các nước Liên minh Châu Âu
Tóm tắt: Dân số các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) có xu hướng ngày càng già hóa trong những thập kỷ qua, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng già hóa dân số tại các nước châu Âu là do tỷ lệ sinh ở các nước này ở mức thấp trong nhiều năm trước. Các quốc gia châu Âu đã có nhiều biện pháp nhằm khuyến khích sinh con, nâng tỷ lệ sinh tại các nước này. Bài viết phân tích xu hướng sụt giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số tại các nước EU, cũng như kinh nghiệm khuyến khích sinh con của một số quốc gia.
LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU
5. NGUYỄN CAO THANH
“Cultural Turn” - Bước ngoặt văn hóa trong ngoại giao và quan hệ quốc tế(?)
Tóm tắt: Trong tác phẩm kinh điển Politics amongst nations (Chính trị giữa các quốc gia), Hans Morgenthau định nghĩa mục đích của quan hệ quốc tế là giành quyền lực mà ở đây, quyền lực mang yếu tố của sức mạnh quân sự, tiềm lực kinh tế và khả năng áp đặt ý nguyện yêu cầu của mình. Nó trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ lý luận và thực hành chính trị đối ngoại. Vậy nhưng văn hóa vẫn luôn là một yếu tố quan trọng trong thiết lập chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế trải dài lịch sử loài người và ngày nay càng hơn bao giờ hết. Bài viết trả lời câu hỏi có cần phải nói đến một “Bước ngoặt văn hóa” không?
6. TRẦN THỊ THẢO
Tư tưởng tự do của Jean - Paul Sartre: Sự phản tư của đời sống tinh thần Châu Âu nửa đầu thế kỷ XX
Tóm tắt: Jean-Paul Sartre nổi lên trong dòng triết học phương Tây hiện đại như một “biểu tượng của hiện sinh”. Triết học hiện sinh của Sartre ra đời vào giai đoạn mà sự phát triển của khoa học kỹ thuật làm cho phương Tây có phần xem nhẹ những giá trị của con người. Ngoài ra, hai cuộc thế chiến đã phá hủy niềm tin của con người vào sự tiến bộ không ngừng của nền văn minh hướng tới hòa bình và tự do. Tư tưởng tự do của Jean-Paul Sartre là sự phản tư của đời sống tinh thần châu Âu đầu thế kỷ XX. Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu chủ nghĩa duy vật lịch sử, tất cả các sự kiện lịch sử được nghiên cứu bằng cách sử dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa lịch sử, tính khách quan, cách tiếp cận xã hội để nghiên cứu tư tưởng tự do của Sartre trong bối cảnh ra đời của nó. Qua đó thấy được giá trị của tư tưởng tự do của Jean-Paul Sartre trong giai đoạn khủng hoảng của đời sống tinh thần châu Âu nửa đầu thế kỷ XX và những vấn đề thực tiễn về đời sống tinh thần nhân loại khi đang đối mặt với thảm họa của đại dịch Covid-19.
7. ĐINH NGUYỄN AN
Quan điểm của Pháp về việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học: Liên hệ thực tiễn vấn đề này ở Việt Nam hiện nay
Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra cho nền giáo dục mỗi quốc gia những yêu cầu cần phải quan tâm, giải quyết; đặc biệt là vấn đề đổi mới phương thức dạy và học nhằm tạo ra những công dân tốt có tài năng, phục vụ đất nước. Đứng trước thực tế đó, bài viết tiến hành phân tích quan điểm của Pháp về vấn đề học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và liên hệ với thực tiễn vấn đề này ở Việt Nam; từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm phát huy tính tích cực, giảm thiểu những tác động tiêu cực khi cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học hiện nay.
QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU
8. NGUYỄN VIỆT LONG
Doanh nghiệp cùng nhà nước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xã hội: Nghiên cứu trường hợp tổng công ty Becamex tại Bình Dương
Tóm tắt: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là chìa khóa để có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong kỷ nguyên 4.0, nhưng lại đòi hỏi đầu tư rất lớn về hạ tầng, nhân lực, chính sách. Khi nhiều khu vực chỉ chú trọng vào đầu tư công cho vấn đề này, thì Bình Dương tập trung vào kiến tạo, khuyến khích cả cộng đồng cùng chủ động tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bài viết nghiên cứu trường hợp Tổng Công ty Becamex, dưới sự chỉ đạo của chính quyền Bình Dương đã đóng góp mạnh mẽ vào thành công vượt bậc của tỉnh, đồng thời qua đó cũng tạo được đột phá trong kinh doanh. Bài viết sẽ lần lượt phân tích: (1) bối cảnh Bình Dương và Becamex năm 2016 với định hướng phát triển đổi mới sáng tạo để bứt phá kinh tế xã hội; (2) cách thức Becamex đóng góp xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp Bình Dương và nhất là Thành phố mới; (3) phân tích cụ thể về Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Becamex Business Incubator. Đây là ví dụ tiêu biểu về hợp tác công tư thành công mà một số địa phương khác tại Việt Nam có thể tham khảo.