Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 9 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 9 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. NGUYỄN HẢI LƯU

Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) và những hàm ý đặt ra

Tóm tắt: Tháng 11/2020 và tháng 6/2021, Mỹ và Nga lần lượt rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) - một thỏa thuận quốc tế về xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự, do hai nước lớn này khởi xướng, được thành lập từ sau Chiến tranh Lạnh. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế do đặt ra nhiều biến số với quá trình hợp tác, cạnh tranh và xây dựng lòng tin giữa các nước lớn. Trên cơ sở này, bài viết phân tích khái quát về sự hình thành, phát triển của Hiệp ước Bầu trời mở, những nội dung cơ bản của Hiệp ước và diễn biến Mỹ, Nga lần lượt rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, từ đó đánh giá những hàm ý, hệ luỵ đặt ra về mặt chính sách, tập hợp lực lượng của các nước lớn liên quan.

 

2. ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HOA

Chính sách hợp tác quốc tế về vaccine chống COVID-19 của Việt Nam

Tóm tắt: Bài viết tổng hợp và cập nhật thực trạng chính sách hợp tác quốc tế phục vụ cho các hoạt động chống COVID-19 của Việt Nam trong làn sóng dịch lần thứ 4. Với số liệu thứ cấp từ các cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế, với cách tiếp cận quản trị công, bài viết khẳng định chính sách chống dịch COVID-19 của Việt Nam đang đi đúng hướng và có kết quả tích cực.

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

3. NGUYỄN VĂN LỊCH & TRẦN THỊ AN & VŨ THỊ THU THẢO

Tranh chấp giữa Airbus - Boeing

Tóm tắt: Airbus và Boeing là hai hãng hàng không lớn trên thế giới, cũng là hai đối thủ cạnh tranh căng thẳng với nhau gần 20 năm qua. Từ mâu thuẫn giữa hai hãng này đã dẫn tới xung đột thương mại giữa Mỹ và EU. Hai bên đã có rất nhiều biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau làm cho mỗi bên đều chịu những thiệt hại nhất định. Những căng thẳng đó đến nay vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, vì lợi ích của mình cũng như cần hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề chung, Mỹ và EU đã, đang và sẽ có những thỏa thuận để chấm dứt xung đột, không để xảy ra chiến tranh thương mại. Từ cuộc tranh chấp này, có thể rút ra một số vấn đề cho Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như phát triển các ngành kinh tế, trong đó có ngành hàng không.

 

4. NGUYỄN CHIẾN THẮNG & NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG

Quan hệ Liên minh Châu Âu - ASEAN: Thực trạng và triển vọng

Tóm tắt: Sau 44 năm quan hệ đối tác đối thoại, Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược vào ngày 01/12/2020. Có thể thấy, những năm qua hai bên đã đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy quan hệ lẫn nhau, cơ bản đạt được những sự bình đẳng trong các lĩnh vực hợp tác. Tuy vậy, mối quan hệ của hai bên vẫn còn nhiều thách thức để đạt được một mối quan hệ đối tác chiến lược thực chất. Bài viết sẽ phân tích những nét chính trong quan hệ EU - ASEAN trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển, từ đó đánh giá triển vọng quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới.

 

5. NGUYỄN HỒNG QUÂN

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp và quan hệ Pháp - Ấn Độ

Tóm tắt: Là quốc gia châu Âu tiên phong đề xướng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp chứng tỏ tầm nhìn và tham vọng lớn nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, chính trị, quốc phòng và ảnh hưởng quốc tế của mình, tham gia vào việc bảo vệ và xây dựng trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Bài viết đề cập nét chủ yếu trong nội hàm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Pháp khởi xướng từ tháng 5/2018, đồng thời phân tích quan hệ Pháp - Ấn Độ như một minh chứng cho việc triển khai chiến lược này. Bài viết cũng cho thấy, ngay từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay, Pháp luôn tìm ra cách thức độc đáo để mở mang quan hệ với Ấn Độ, thúc đẩy hòa giải giữa chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ với quy định không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Gần đây, Pháp tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, trợ giúp nước này về quân sự và quốc phòng…, góp phần kiềm chế tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra khu vực Ấn Độ Dương.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

6. NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ

Lịch sử hình thành và phát triển chế độ tự quản đô thị ở các quốc gia châu Âu

Tóm tắt: Các quốc gia châu Âu được xem là nơi tiên phong của hầu hết các phong trào dân chủ trên thế giới. Những thành tựu về chính trị - pháp lý có giá trị lớn của thế giới đều được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở châu Âu. Trên cơ sở các tài liệu trong và ngoài nước của nhiều học giả ở nhiều quốc gia khác nhau, bài viết tổng kết và đánh giá lịch sử hình thành và phát triển chế độ tự quản đô thị ở các quốc gia châu Âu điển hình từ thời cổ, trung đại đến cận, hiện đại và ngày nay. Có thể nói, việc tổng kết, đánh giá đúng về lịch sử tổ chức chính quyền tự quản đô thị của châu Âu là một ghi nhận về sự đóng góp của các quốc gia châu Âu với vai trò sáng lập, phát triển chế độ tự quản đô thị - một kiểu tổ chức chính quyền địa phương văn minh, dân chủ, hiện đại nhất hiện nay.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

7. ĐẶNG THÁI BÌNH & NGUYỄN THỊ HIÊN

Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi triển khai thực thi EVFTA

Tóm tắt: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao và được đánh giá là giúp cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó đã lưu ý tới sự chênh lệch trình độ phát triển giữa hai bên. Bên cạnh những lợi ích mà EVFTA đem lại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam như cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất thế giới, gia tăng lợi nhuận, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy chuyển giao công nghệ,… EVFTA cũng đặt ra những thách thức lớn cho các DNNVV Việt Nam trong việc gia tăng sức ép cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin đặc biệt là các quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại, những rào cản phi thuế quan.

 

8. ĐINH MẠNH TUẤN & DƯƠNG THÁI HẬU

Quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga: Những thuận lợi và thách thức sau khi triển khai FTA giữa Việt Nam với các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu

Tóm tắt: Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Hiệp định này được xem là một FTA thế hệ mới, không chỉ chủ yếu tập trung vào các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa mà còn mở cửa mạnh các ngành dịch vụ. Bài viết tập trung phân tích những thuận lợi và thách thức trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga sau khi triển khai FTA giữa Việt Nam với EAEU, từ đó đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam.

 

 

39 lượt xem