Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 9 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 9 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

1. TRẦN THỊ HẢI YẾN & VŨ THỤY TRANG

Nhân tố Trung Quốc trong quan hệ Nga - EU hiện nay

Tóm tắt: Cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014 và gần đây nhất là chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã đẩy quan hệ Nga - EU đi vào vòng xoáy, với rất nhiều nút thắt chưa thể được tháo gỡ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc được coi là một nhân tố có thể tạo ra cả lực hút và lực đẩy cho quan hệ Nga - EU. Trung Quốc có thể đóng vai trò là người trung gian hòa giải cho những mâu thuẫn giữa Nga và EU, nhưng cũng có thể trở thành nhân tố khiến mâu thuẫn giữa hai bên trở nên trầm trọng hơn. Điều này khiến Trung Quốc có thêm những tính toán cho việc đảm bảo ảnh hưởng và vị trí của mình ở lục địa này. Bài viết đi vào phân tích những lợi ích của Trung Quốc trong quan hệ với EU và Nga, tác động của mối quan hệ này tới Trung Quốc như thế nào và những bước triển khai tiếp theo của Trung Quốc trước mối quan hệ EU - Nga ngày càng phức tạp.

 

2. ĐỖ HỒNG HUYỀN

Quan hệ NATO, EU với Nga và phản ứng chính sách của NATO, EU trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine

Tóm tắt: Mối quan hệ giữa NATO, EU và Nga có ý nghĩa to lớn đối với tất cả các bên và đối với an ninh khu vực nói chung. Năng lực quân sự của NATO bổ sung cho EU, trong khi năng lực tư pháp và dân sự của EU bổ sung cho NATO. Mối quan hệ bền chặt với Nga giúp NATO và EU mở rộng phạm vi ảnh hưởng và vượt qua sự đối đầu sau Chiến tranh Lạnh. Còn mối quan hệ phát triển với EU và NATO cũng tạo ra một biên giới phía tây ổn định cho Nga. Trong bài viết này, tác giả khái quát những điểm chính trong quan hệ NATO-Nga, EU-Nga và phản ứng của các bên trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine hiện nay.

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

3. CHU THỊ THANH AN

Giới hạn quyền sở hữu theo luật cơ bản của CHLB Đức

Tóm tắt: Luật Cơ bản năm 1949 của CHLB Đức ghi nhận quyền sở hữu là một quyền cơ bản của công dân và thiết lập các bảo đảm hiến định đối với quyền này. Tuy nhiên, đây không phải là bảo đảm tuyệt đối, bởi Luật Cơ bản đồng thời quy định những trường hợp mà quyền sở hữu có thể bị giới hạn. Bài viết phân tích và làm rõ cơ sở lý luận, căn cứ và các nguyên tắc giới hạn quyền sở hữu theo Luật Cơ bản của CHLB Đức.

 

4. DƯƠNG CÔNG DOANH

Nghiên cứu ảnh hưởng của sự tự tin năng lực khởi sự tới dự định khởi sự kinh doanh của sinh viên Ba Lan

Tóm tắt: Nghiên cứu này áp dụng mô hình hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991) nhằm kiểm định mối quan hệ giữa sự tự tin năng lực khởi sự và dự định khởi sự kinh doanh của sinh viên Ba Lan. Với dữ liệu được thu thập từ 1.738 sinh viên tại các trường đại học tại Ba Lan, tác giả sử dụng phương pháp định lượng bao gồm một số công cụ thống kê mô tả phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA), kiểm định mô hình lý thuyết và các giả thuyết bằng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) để đánh giá tác động của sự tự tin năng lực khởi sự tới các biến trong mô hình hành vi có kế hoạch. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự tự tin năng lực khởi sự có ảnh hưởng mạnh, trực tiếp và thuận chiều tới cảm nhận khả năng kiểm soát và thái độ hướng tới hành vi khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, nhân tố này cũng ảnh hưởng trực tiếp và cả gián tiếp tới dự định khởi sự kinh doanh thông qua hai biến trung gian trong mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch bao gồm thái độ hướng tới khởi sự và cảm nhận khả năng kiểm soát.

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

5. LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Giao dịch tiền tệ sơ khai và các nhân tố quản lý nền kinh tế của Rome thời sơ kỳ đế chế (27TCN-192)

Tóm tắt: Rome vào thời sơ kỳ để chế (27TCN - 192) đánh dấu sự chuyển biến cơ bản trong nền kinh tế Rome. Tiền tệ được nhà nước quản lý chặt chẽ qua hoạt động giao dịch kiểm soát và tích trữ dưới nhiều hình thức. Việc hình thành nền kinh tế cung điện và kinh tế quân đội đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế Rome khi gắn bó với lợi ích của giai cấp có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Bài viết nghiên cứu tổng quan về giao dịch tiền tệ Rome thời kỳ Đế chế, các nhân tố quản lý, thao túng nền kinh tế như kinh tế cung điện của các hoàng đế, kinh tế quân đội trong cơ cấu nền kinh tế của Rome. Qua đó, làm rõ những điểm cơ bản của kinh tế tiền tệ sơ khai và bản chất bóc lột của nhà nước quân chủ chủ nô.

 

6. BÙI VIỆT HƯNG & NGÔ THỊ LAN ANH & NGUYỄN THỊ MÃO

Thỏa thuận xanh châu Âu của EU: Những cam kết thực hiện và một số thách thức đặt ra

Tóm tắt: Thỏa thuận xanh châu Âu đưa ra mục tiêu cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống mức bằng 0 vào năm 2050. Đây được xem là mục tiêu đầy hoài bão trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức, như cạnh tranh, xung đột địa chiến lược giữa các quốc gia, khu vực ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt. Để thực hiện thành công thỏa thuận này, EU cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ ưu tiên chính sách đến huy động nguồn lực tài chính, cũng như linh hoạt trong đối thoại và hợp tác quốc tế.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

7. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG & PHÙNG THỊ QUỲNH TRANG

Phát triển doanh nghiệp xã hội của Vương quốc Anh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung vào tổng quan về doanh nghiệp xã hội với các nghiên cứu trong nước và quốc tế. Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp xã hội của Vương quốc Anh, bài viết rút ra bài học phát triển doanh nghiệp xã hội phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Doanh nghiệp xã hội đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn làm đối tác của Nhà nước để giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Nhân rộng mô hình doanh nghiệp xã hội sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và công bằng của quốc gia. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội, trong đó bao gồm những cấu phần cơ bản đảm bảo thực hiện những chức năng, nhiệm vụ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển.

 

8. CHỬ THỊ NHUẦN & PHẠM VĂN PHÚ

Xung đột Nga - Ukraine: Những khó khăn, thách thức đối với cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga

Tóm tắt: Xung đột Nga - Ukraine kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây cũng như những phản ứng của Nga đã gây ra tác động tiêu cực toàn diện và sâu sắc đến nền kinh tế thế giới, nhiều nước rơi vào tình trạng khó khăn, lạm phát tăng cao. Nga là quốc gia trực tiếp gánh chịu những lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây nên cuộc sống của người dân Nga đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Nga. Bài viết làm rõ những lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga và ảnh hưởng của chúng tới cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam ở Nga cũng như những doanh nghiệp ở Việt Nam làm ăn hợp tác với các đối tác Nga.

 

THÔNG TIN

Hội thảo khoa học: “Giải pháp thúc đẩy vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và SNG trong bối cảnh mới”

Hội thảo giới thiệu sách: “Chính sách khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản ở Việt Nam trong bối cảnh mới”

39 lượt xem